Phí bảo vệ môi trường với khí thải: Có gây phí chồng phí?
Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Bộ Tài chính đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan chức năng cũng như dư luận.
Đăng kiểm đồng tình và kiến nghị sửa Luật để thu phí với xe máy
Liên quan đến đề xuất thu Phí Bảo Vệ Môi Trường đối với khí thải của Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng, đề xuất này không phải mới, các nước châu Âu có 5-6 mức quy định xe nào phát thải nhiều sẽ nộp phí lớn nhưng hiện nay nước ta đã thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nên nếu thu phí khí thải phải giải bài toán tổng thể về mức phát thải.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm đã và đang xây dựng và sẽ ban hành đầu vào năm 2019 này về mức phát thải quy định có 3 mức tương ứng với các loại xe chia theo niên hạn trước năm1999, phương tiện từ năm 1999 đến nay và xe sản xuất lắp ráp nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn EURO 4.
Để có thể thu Phí Bảo Vệ Môi Trường Với Khí Thải, ông Trí cho rằng, riêng ôtô đã có kiểm định khí thải qua các Trung tâm Đăng kiểm và dễ dàng xác định mức khí phát thải nếu chia theo niên hạn. Nhưng với xe máy thì chưa có kiểm định khí thải, do đó, Nhà nước phải sửa Luật Giao thông đường bộ mới đưa xe máy vào diện hiện thực hóa thu phí bảo vệ môi trường với khí thải và nhanh nhất cũng phải 3-4 năm nữa.
“Quan điểm của Cục Đăng kiểm đồng tình phụ thu phí bảo vệ môi trường với khí thải bởi nếu xe có khí thải kém phải nộp thêm phí hoặc không được vào vùng lõi thành phố như các tuyến đường vành đai 1, 2 của Hà Nội. Ngoài ra, xe có khí thải kém thì chu kỳ kiểm định phải rút ngắn, mục đích là dùng biện pháp kỹ thuật và môi trường kiểm soát để cho chủ xe phải nâng cấp phương tiện”- ông Trí nêu quan điểm.
Trả lời câu hỏi, đã có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và chủ xe đã phải nộp khi mua xăng dầu và nay phải nộp thêm phí bảo vệ môi trường với khí thải sẽ là phí chồng phí, ông Trí cho rằng, bản chất của phí bảo vệ môi trường với khí thải chỉ là phụ thu và mức phụ thu như thế nào để người dân chấp nhận được vẫn là câu hỏi khó và cần tính toán kỹ lưỡng.
Đơn cử, khi cùng tham gia giao thông bằng xe máy thì tiền thuế môi trường phải nộp cho mỗi lít xăng là như nhau, nhưng người sử dụng loại xe cũ xả nhiều khí thải sẽ phải đóng phí khí thải nhiều hơn những người sử dụng xe mới xả ít khí thải độc hại. Điều này đảm bảo được tính công bằng trong việc thu thuế, phí môi trường.
Các phương tiện đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Tuy nhiên, không chung quan điểm với Cục Đăng kiểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT không đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính.
Cụ thể, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, sau khi nghiên cứu, Tổng cục thấy xăng, dầu, mỡ nhờn là đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường do khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Tháng 9/2018 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể cho xăng, dầu, mỡ nhờn.
“Như vậy, hiện nay tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ, hàng không, hàng hải và đường thuỷ khi lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường thông qua tiền thuế bảo vệ môi trường khi mua xăng, dầu, mỡ nhờn.
Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề xuât không thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các phương tiện giao thông vận tải, tránh hiện tượng phí chồng phí”- đại diện Tổng cục Đường bộ kiến nghị.
Ngân Tuyền (ANTĐ)