Ô tô ngập nước - Nỗi lo mới của dân thành thị
Ở Việt Nam hình ảnh những con phố chìm trong biển nước đang ngày càng trở nên quen thuộc và kéo theo đó là rất nhiều phương tiện phải sống chung với “lũ” mà nặng nề hơn cả chính là ô tô.
Mới đây, Đà Nẵng phải hứng chịu một trận mưa kỷ lục, rất nhiều hình ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ cho thấy những chiếc xe ô tô bị ngập một phần hoặc ngập hoàn toàn trong nước. Không riêng gì chủ nhân mà bất cứ ai nhìn thấy cảnh này cũng cảm thấy xót xa thay cho những chiếc xe xấu số.
Những chiếc xe ô tô khi bị ngập trong nước như vậy sẽ có nguy cơ hỏng hóc nặng các bộ phận như động cơ, hệ thống điện, nội thất cùng nhiều thứ khác. Không ai muốn rơi vào cảnh xe bị ngập nước, nhưng cũng không nên vì thế mà không trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể tự giúp mình hoặc người khác nếu gặp phải tình huống này.
Khi di chuyển qua các con đường ngập nước, lái xe cần đánh giá đúng về mức độ ngập của đoạn đường mình định lái xe qua. Nếu mức nước quá sâu hoặc không thể đánh giá được tình trạng ngập nước thì tốt nhất bạn nên dừng lại. Nếu quyết định lái xe đi qua đoạn đường ngập nước nên tắt tất cả các phụ tải như: điều hòa, hệ thống giải trí… để tăng khả năng vận hành của động cơ và lời khuyên nữa là nên đi số thấp.
Trong trường không may bị ngập nước hay chết máy khi đi qua đoạn ngập nước thì hãy gọi cứu hộ, tuyệt đối không khởi động lại. Bởi nếu cố nổ máy có thể làm cong tay biên, trường hợp nặng có thể gãy tay biên dẫn đến vỡ lốc máy. Nguyên nhân là do nước tràn vào động cơ gây hiện tượng nén nước (Thủy Kích).
Quan trọng nhất là động cơ đây là phần rất tốn kém tiền của, tình huống xấu nước ngập và lọt vào động cơ đó là thuỷ kích. Một khi bị thuỷ kích thì hư hỏng đã ở mức nặng và có thể nặng hơn tuỳ từng trường hợp. Chi phí xử lý thuỷ kích cũng tuỳ vào loại xe, xe càng sang thì càng đắt tiền và mất nhiều thời gian.
Nếu không bị thuỷ kích thì nước vẫn làm hư hỏng các chi tiết trong động cơ như làm sét cốt máy, thành xi-lanh, séc-măng,… Nước bẩn làm ô-xy hoá các chi tiết bên trong động cơ vốn không có bất kỳ lớp bảo vệ nào nên rất dễ gỉ sét. Để khắc phục hậu quả thì cần đưa xe đến những gara chuyên nghiệp hoặc đến đại lý chính hãng. Vấn đề này cần phải xử lý nhiều bước và triệt để, nếu không tình trạng hư hỏng sẽ trở lại rất nhanh.
Ngoài ra cũng cần phải chú ý tới cổ hút và cổ xả, nước rất dễ đọng lại ở phần này sau khi bị ngập, vì vậy nếu động cơ không bị thuỷ kích thì nên kiểm tra ngay bộ phận này và làm khô trước khi nổ máy để tránh gây ra các hư hỏng cho động cơ khi vận hành.
Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, do đó nên tắt chìa khóa điện. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mức nước ngập quá cao thì tuyệt đối không mở cửa xe. Nước sẽ tràn vào bên trong làm hư hỏng các bộ điều khiển và nội thất xe. Nếu cần rời khỏi xe, lái xe nên hạ kính hoặc mở cửa sổ trời và chui ra khỏi xe.
Hệ thống điện bao gồm các hộp điện và phần cơ điện. Sau khi xe bị ngập nước, việc cần làm là tháo kiểm tra tất cả các hộp điện, giắc cắm, xịt dung môi chống nước, thổi khô và lắp trở lại. Xe càng hiện đại thì hệ thống điện càng có nhiều nguy cơ bị hỏng hóc nếu bị ngâm nước. Nước sẽ làm gỉ sét các bo mạch điện vốn rất nhạy cảm. Chính vì vậy hư hỏng là điều khó tránh khỏi, có thể không hư hỏng hoàn toàn nhưng sẽ có vài chức năng hoạt động không ổn định.
Khi nước tràn vào bên trong khoang nội thất, nhiều thiết bị điện sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt là các màn hình LCD trên táp-lô cũng sẽ bị hư hỏng khi ngâm trong nước. Đối với các xe sang thì những bộ phận này rất đắt tiền. Những chi tiết khác như làm từ da, nỉ hay vải chắc chắn sẽ để lại mùi hôi rất khó chịu sau khi khoang nội thất bị ngập nước, đỏi hỏi phải xử lý thật kỹ càng.
Đối với trường hợp bất khả kháng như những hình ảnh được chụp lại trong trận mưa tại Đà Nẵng vừa qua, nhiều chiếc xe để trong hầm và bị ngập nước quá nóc, không khác gì việc nhúng nguyên chiếc xe vào trong nước mà thậm chí còn ngâm trong nước tới 1-2 ngày. Như vậy tất cả các bộ phận của xe đều bị nước xâm nhập. Việc cần làm lúc này là hãy chụp ảnh lại nội ngoại thất xe để lưu hồ sơ mọi tổn thất và mức độ xe bị ngập nước như vậy sẽ có ích cho cả việc làm bảo hiểm và sửa chữa xe.
Raica (Tuoitrethudo)
Ảnh: Tổng hợp