Sử dụng vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT như thế nào?
Từ 10-10 tới đây, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện thẻ vé điện tử thí điểm trên tuyến buýt nhanh 01 lộ trình Kim Mã- Yên Nghĩa để tiến tới nhân rộng ra các loại hình vận tải công cộng khác như buýt thường, tàu điện ngầm.
Theo đó, Liên danh Viettel-Transerco đã đầu tư lắp đặt cổng kiểm soát ra vào, hệ thống camera giám sát, thiết bị bán vé và đường truyền internet tại 23 nhà chờ dọc tuyến; xây dựng phần mềm phát hành thẻ, nạp tiền, quản trị dữ liệu khách hàng tại Liên danh và Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội.
Cụ thể, vé điện tử sẽ được áp dụng đối với khách vé lượt và khách vé tháng sử dụng 1 tuyến (khoảng 3.000 khách). Riêng vé tháng liên tuyến (chiếm 70% khách vé tháng), do chưa áp dụng trên toàn mạng buýt nên khách vẫn mua tem vé tháng như bình thường.
Hà Nội sẽ triển khai dùng thẻ vé điện tử trên buýt nhanh BRT từ ngày 10-10 tới đây
Khi khách hàng mua tem, Transerco sẽ dán vào mặt sau của vé một QR code và khách sẽ dùng QR code đó để sử dụng khi ra vào nhà chờ. Trước mắt, giá vé sẽ được giữ nguyên như hiện nay, tức 7.000 đồng/lượt. Được biết, thẻ vé điện tử được áp dụng công nghệ mới nhất hiện nay, đang phổ biến ở hầu hết các nước tiên tiến như: Nhật, Hàn Quốc, Singapore...
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Transerco cho biết: “Thành phố giao chúng tôi triển khai thí điểm hệ thống này. Khoảng 6 tháng - 1 năm sẽ có báo cáo đánh giá trước khi triển khai nhân rộng trên toàn mạng”.
Theo Transerco, khó khăn lớn nhất để triển khai nhân rộng sang xe buýt thường là thời gian xe buýt dừng ở điểm đỗ chỉ vài chục giây. Vào giờ cao điểm, mật độ, lưu lượng người ào lên một lúc. Và việc kiểm soát khách có quẹt thẻ hay không sẽ rất khó khăn.
Cũng theo ông Nhật, việc áp dụng thẻ vé điện tử có thể giúp thay đổi chính sách giá vé, cụ thể là điều chỉnh giá phù hợp với cự ly. Ví dụ, tuyến Chùa Hương - Mỹ Đình giá vé 9.000 đồng hạng, tức là khách chỉ đi từ Mỹ Đình đến Ba La (10km) cũng bằng khách đi từ Mỹ Đình đến Chùa Hương (62km), như vậy là bất bình đẳng.
“Hiện, giá vé xe buýt thấp nhất là 7.000 đồng nhưng nếu áp dụng hệ thống thẻ vé mới, con số này có thể chỉ là 3.000 - 4.000 đồng nếu đi chặng ngắn”- ông Nhật thông tin.
Để có thẻ vé điện tử cũng như nạp tiền vào thẻ vé, hành khách có thể liên hệ trực tiếp tại các nhà chờ BRT tại Bến xe Kim Mã, Núi Trúc, Hoàng Đạo Thúy và bến xe Yên Nghĩa.
Khách hàng làm mới hoặc đổi vé điện tử một tuyến có thể đăng ký trực tuyến tại website http://timbus.vn/Ticket hoặc ứng dụng “Timbus” trên thiết bị di động. Khách sử dụng vé tháng một tuyến: Khách đi thẳng vào quẹt thẻ tại cổng soát vé để vào nhà chờ; khi xuống xe quẹt thẻ để ra khỏi nhà chờ.
Khách sử dụng vé tháng liên tuyến: Khách trình/thẻ vé tháng liên tuyến, nhận vé kiểm soát, quẹt thẻ tại cổng để vào nhà chờ; giữ vé trong suốt chuyến đi, khi xuống xe quẹt vé để ra khỏi nhà chờ. Khách sử dụng vé lượt mua vé, quẹt vé tại cổng để vào nhà chờ; giữ vé trong suốt chuyến đi, khi xuống xe quẹt vé để ra khỏi nhà chờ.
Dù ngày 10-10, thẻ vé điện tử mới chính thức thí điểm trên tuyến buýt nhanh nhưng đã được Transerco thử nghiệm từ ngày 25-9. Có mặt tại nhà chờ Kim Mã, Ba Đình, bạn Nguyễn Thùy Dung, sinh viên trường ĐH Lao động xã hội khá háo hức: “Tôi thấy rất hứng thú với loại thẻ vé điện tử này, rất tiện lợi mà hợp xu thế. Tiến tới có thể dùng một thẻ điện tử cho tất cả các loại phương tiện công cộng như buýt thường, tàu điện trên cao thì tiện lợi quá”.
Dù vậy, một số hành khách là người lớn tuổi cũng còn tỏ ra khá bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp cận với thẻ vé điện tử xe buýt. Bác Đào Đức Quang ở Tô Hiệu, Hà Đông chia sẻ: “Dẫu biết hiện đại thì vẫn tiện hơn, nhưng người có tuổi chúng tôi chậm thích ứng hơn nên còn thấy bỡ ngỡ. Trước cứ mua vé là vào nhà chờ, giờ phải xếp hàng chờ quẹt thẻ, cũng có phần chưa quen”.
Ngân Tuyền (ANTĐ)