Sử dụng phù hiệu "Xe hộ đê" giả có thể bị xử lý hình sự
Tính đến hiện tại, hơn 2.000 phương tiện đã được cấp phù hiệu “Xe hộ đê”, tuy nhiên, hầu như không cơ quan nào nắm được danh sách các phương tiện này trừ đơn vị cấp, trong khi đó, việc làm giả, sử dụng phù hiệu “Xe hộ đê” giả có thể bị xử lý hình sự.
Chỉ đơn vị cấp mới biết danh sách "xe hộ đê" thật
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ NN&PTNT) thông tin, năm 2018, Bộ NN&PTNT cấp 568 phù hiệu xe hộ đê, trong khi đó, các địa phương cấp 1.867 biển. Hiện nay, các địa phương báo cáo, qua thẩm tra bước đầu, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Trong đó, một số địa phương cấp nhiều nhất như Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định... đều cấp trên 200 xe.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Quang cũng thừa nhận, danh sách hơn 2.000 xe được cấp biển “xe hộ đê” này chỉ có cơ quan cấp mới nắm rõ, còn các cơ quan quản lý khác như Tổng cục Đường bộ, các đơn vị khai thác đường bộ cũng không thể biết được.
Đến nay, có hơn 2.000 phương tiện được cấp biển "xe hộ đê"
Trả lời về việc hơn 2.000 xe được cấp biển “xe hộ đê” nhưng qua rà soát không phát hiện trường hợp nào cấp sai quy định, ông Quang thông tin, Bộ NN&PTNT đã có văn bản nhờ Bộ Công an hỗ trợ xác minh. Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát Giao Thông làm rõ.
Hơn nữa, để kiểm tra, xác minh cần sự phối hợp không chỉ của Bộ Công an, Bộ NN&PTNT mà cần phản ánh trực tiếp của các cơ quan quản lý đường cao tốc, các trạm thu phí là nơi có nhiều điều kiện kiểm tra.
Kế đó, cần sự tham gia của chính quyền địa phương nơi xe đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, cơ quan chức năng ở địa phương hiểu rõ về việc ưu tiên này song song với việc nâng chế tài xử lý.
Ở đâu dùng biển "xe hộ đê" nhiều nhất?
Thông tin từ Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, qua số liệu ghi nhận về lượng xe hộ đê đi qua 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý cho thấy, đến thời điểm hiện nay, lượng "xe hộ đê" qua trạm có dấu hiệu giảm.
Các tỉnh phía Bắc sử dụng phù hiệu xe hộ đê nhiều hơn hẳn so với miền Trung, miền Nam. Điển hình như tỉnh Hải Dương, cấp phù hiệu hộ đê cho 250 xe. Trong khi có tỉnh lân cận chỉ một vài chục xe.
“Đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai, các địa phương chấn chỉnh tình hình cấp phù hiệu xe hộ đê. Nếu địa phương nào cũng được cấp số lượng lớn như vậy thì trên cả nước có quá nhiều xe hộ đê, rõ ràng có sự bất hợp lý”, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC kiến nghị.
Ngoài ra, cũng theo VEC, trong quá trình quản lý khai thác, VEC phát hiện các hiện tượng rất nhiều xe dùng phù hiệu hộ đê giả, hết hạn, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không đúng địa bàn; xe dùng phù hiệu hộ đê không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Có dấu hiệu vi phạm hình sự
Đáng chú ý, theo ông Nhi, các xe này thường gây khó khăn cho đơn vị thu phí, đầu vào không trưng phù hiệu, vẫn lấy thẻ thu phí song chỉ tới đầu ra mới đẩy lên phù hiệu “Xe hộ đê”, không trả thẻ cho đơn vị quản lý. Điều này gây thất thoát kép, vừa tiền thu phí và tiền thẻ (có giá hơn 200.000 đồng/chiếc). Theo ước tính, mỗi năm, chúng tôi mất hơn 4.000-5.000 chiếc thẻ trên toàn hệ thống.
Đặc biệt, không ít trường hợp lái xe có phù hiệu hộ đê lái rất ẩu, khi bị nhân viên thu phí phản ứng, những người này có hành vi thiếu văn hóa thậm chí còn lăng mạ, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ. Nhiều lần chúng tôi phải phối hợp với lực lượng CSGT trên tuyến để xử lý.
Nói về hành vi sử dụng phù hiệu "Xe hộ đê" giả, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) nhìn nhận: “Chúng tôi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi làm giả con dấu, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức để lừa dối tổ chức, nhân dân trong giao dịch”.
Ngân Tuyền (ANTĐ)