Bộ Giao thông ủng hộ làm sân bay Sa Pa gần 5.800 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa
Bộ GTVT cho rằng, với tổng mức đầu tư và hình thức đầu tư sân bay Sa Pa do UBND tỉnh Lào Cai đề xuất, việc nghiên cứu tiền khả thi để xác định thời điểm, quy mô, phương án đầu tư là cần thiết.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Lào Cai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) liên quan đến đề xuất phương án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) Sa Pa của UBND tỉnh Lào Cai.
Theo Bộ GTVT, quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2-2018, giai đoạn đến năm 2030 CHK Sa Pa được đưa vào khai thác, có cấp 4C và công suất 3 triệu hành khách/năm.
“Như vậy, với tổng mức đầu tư và hình thức đầu tư do UBND tỉnh Lào Cai đề xuất, việc nghiên cứu tiền khả thi để xác định thời điểm, quy mô, phương án đầu tư CHK Sa Pa là cần thiết”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá.
Bộ GTVT ủng hộ Lào Cai làm Sân Bay Sa Pa theo hình thức xã hội hóa
Trong điều kiện ngân sách Trung ương cân đối qua Bộ GTVT khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT ủng hộ nghiên cứu phương án UBND tỉnh Lào Cai chủ động huy động vốn để đầu tư các công trình khu bay và hệ thống Giao Thông kết nối…; ACV tham gia đầu tư xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, nhà điều hành; VATM tham gia đầu tư xây dựng các công trình quản lý điều hành bay để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ GTVT giao ACV và VATM chủ động cân đối nguồn vốn và phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan chức năng của của tỉnh Lào Cai trong quá trình xây dựng phương án đầu tư. Trong phương án, phải tính toán cụ thể hiệu quả tài chính của ACV và VATM để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 7-2018, UBND tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng CHK Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, sân bay quân sự cấp II với tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng chưa bao gồm phí xây lắp trang thiết bị của Quốc phòng.
Dự kiến, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng cho cả dự án) xây dựng quy mô sân bay cấp 4C công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng/năm với 2 vị trí đỗ tàu bay, có thể khai thác các loại tàu A320, A321 và tương đương. Tiếp đó, giai đoạn 2 (đến năm 2030) sẽ đầu tư thêm 1.033 tỷ đồng nâng cấp để đạt công suất 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm.
Góp ý về kiến nghị này, Cục Hàng không Việt Nam đã cho rằng, cần nghiên cứu cẩn trọng để đánh giá sự cần thiết và tính hiệu quả của dự án. Đồng thời, cần có sự đánh giá nghiên cứu cụ thể về tác động của các loại hình vận tải khác, định hướng phát triển kinh tế và đặc biệt là du lịch đầu tư thương mại của địa phương.
Bởi theo Cục Hàng không, nguyện vọng xây dựng cảng hàng không, sân bay là chính đáng vì tỉnh nào cũng mong muốn nhưng cơ hội, khả năng thực tiễn phát huy được hiệu quả cơ sở hạ tầng phải đánh giá cẩn trọng.
Hải Dương (ANTĐ)