Tai nạn liên hoàn tại Tôn Đức Thắng: Làm sao tránh rủi ro
Tại Việt Nam, số vụ tai nạn liên hoàn không phải là hiếm. Để phòng tránh những vụ tai nạn kiểu này, người tham gia giao thông cần nắm vững những kiến thức liên quan đến điều khiển xe nhằm tránh những sai lầm đáng tiếc.
Như Báo ANTĐ đưa tin, một vụ Tai Nạn Liên Hoàn xảy ra trên Phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội chiều 28-9, giữa 7 phương tiện đã khiến ít nhất 3 người bị thương. Sự việc xảy ra vào khoảng 15h30, trên chiều đường hướng từ phố Xã Đàn đi Nguyễn Thái Học, đoạn qua số nhà 281.
Theo một số nhân chứng, chiếc xe ô tô Huyndai đâm vào 2 xe máy và xe taxi lưu thông phía trước. Cùng lúc đó, 2 chiếc xe máy đi phía sau đã va vào xe buýt chạy tuyến Bác Cổ - Yên Nghĩa. Hậu quả khiến ít nhất 3 người bị thương, và đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hình ảnh vụ tai nạn liên hoàn tại phố Tôn Đức Thắng
Dù cơ quan chức năng chưa xác định nguyên nhân chính xác, song trong nhiều trường hợp, việc nhầm chân ga với chân phanh chính là nguyên nhân gây tai nạn. Sau đây là một số những lưu ý để để không đạp nhầm chân ga khi phanh:
Vì sao đạp nhầm chân ga
Tâm lý thiếu vững vàng: Lỗi này thường gặp ở những người mới bắt đầu học lái ô tô hoặc lái chưa thạo nên khi gặp phải tình huống cần phanh khẩn cấp, họ dễ rơi vào tình trạng hoảng hốt nên việc nhấn nhầm chân rất dễ xảy ra.
Tâm lý không vững vàng khiến người lái dễ bị hoảng hốt và nhấn nhầm chân ga trong tình huống khẩn cấp
Tư thế ngồi khi lái xe chưa đúng: Tư thế ngồi sai, lấy chân phải giữ ga, chân trái đạp phanh. Tư thế này không chỉ khiến cơ thể tài xế bị mệt mỏi, không đủ lực phanh cần thiết, thậm chí dễ bị nhầm lẫn trong những tình huống bất ngờ.
Quên chưa gạt cần số, vẫn ở chế độ D: Đây chính là nguyên nhân phổ biến xuất phát từ thói quen vẫn ở để ở chế độ cài số D và giữ chân phanh khi dừng ô tô tạm thời. Trong lúc dừng, nếu người điều khiển ô tô xê dịch vị trí ngồi hoặc rời chân phanh sẽ là rất nguy hiểm nhất là khi có tình huống bất ngờ cần xử lý thì tài xế sẽ dễ bị động và nhầm lẫn.
Làm sao để không nhầm lẫn
Chân không rời sàn
Đối với việc khắc phục lỗi đạp nhầm chân ga thì giữ tư thế lái, đặt chân “chuẩn chỉ” là điều vô cùng cần thiết. Ngay khi vào xe, tài xế cần cân chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, dễ dàng điều khiển chân phanh, ga, thắng tay, cần số. Một tư thế ngồi thoải mái sẽ giúp đôi chân linh hoạt, không bị “cứng” khi xử lý các tình huống. Tiếp theo đó, tài xế cần giữ vững nguyên tắc gót chân không rời sàn xe, chỉ sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh.
Lúc này, gót chân để ở vị trí thẳng hàng với bàn đạp phanh và chỉ sử dụng phần ức bàn chân qua lại giữa hai chức năng này. Việc giữ vững gót bàn chân dưới sàn giúp vị trí của chân luôn đúng, tránh tình trạng đặt nhầm và đặc biệt là có thể dễ dàng điều chỉnh lực ga hay lực phanh.
Ngay khi vào xe, tư thế ngồi “chuẩn” là vô cùng quan trọng.
Rời chân ga - rà chân phanh
Khi đã giữ vững gót chân xuống sàn đồng nghĩa với việc tài xế đã luôn có một vị trí chuẩn để thao tác theo thói quen. Tuy nhiên, tư thế này vẫn có thể bị nhầm lẫn với lái mới dù gót chân đã để thẳng hàng với bàn đạp phanh. Để hạn chế tối đa nhầm lẫn thì một thói quen tốt là rất quan trọng.
Thói quen tốt ở đây chính là “rời chân ga - rà chân phanh”. Hành động này nên được tập thành thói quen ngay cả khi không có tình huống nguy hiểm vì nó giúp tài xế luôn trong tình trạng sẵn sàng phanh, thay vì nhấn ga. Trong bất kỳ tình huống nào, thậm chí với cả xe số sàn (MT) thì hành động này đều có tác dụng, khi đã hình thành được thói quen đồng nghĩa với việc rủi ro đạp nhầm chân ga đã được giảm xuống mức thấp nhất.
Tập thói quen “rời chân ga - rà chân phanh” để hạn chế nhầm lẫn
Dừng, đỗ đúng cách
Đối với tình huống dừng, đỗ xe thì thao tác tay lại quan trọng không kém với thao tác chân trong việc hạn chế lỗi đạp nhầm chân ga. Trong trường hợp chỉ tạm dừng xe (chờ đèn đỏ, hỏi đường) thì chuyển về N và kéo phanh tay. Việc kéo phanh tay không bao giờ thừa thãi vì nó giúp chân bạn thư giãn, chỉ cần đặt hờ lên phanh trong thời gian ngắn và đảm bảo xe không bị trôi trên địa hình dốc nhẹ.
Khi dừng xe lâu, ở vị trí an toàn thì tài xế nên cài số P và kéo phanh tay. Ngoài ra, giữ thói quen vần vô lăng đánh lái vào lề đường khi đỗ xe trên những địa hình dốc cũng rất quan trọng để tránh việc xe lao ra đường hoặc trôi quá xa trong trường hợp bị tuột dốc.
Với nguyên tắc này, việc tập thành thói quen là rất quan trọng. Nó giúp tài xế an toàn hơn và tránh những va chạm đáng tiếc liên quan đến nhầm lẫn chân ga và phanh. Để đảm bảo phanh tay hoạt động bền bỉ, việc đưa cần số về nấc D và thả phanh tay cũng nên được “rèn” thành thói quen để tránh trường hợp phanh bị “mòn”.
Thao tác tay cũng không kém phần quan trọng trong việc hạn chế lỗi đạp nhầm chân ga
Minh Nguyệt (ANTĐ)