Tăng thuế môi trường với xăng dầu chưa hiệu lực, doanh nghiệp vận tải đã "toát mồ hôi"
Thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu sẽ tăng kịch trần từ ngày 1-1-2019. Dù còn hơn 3 tháng nữa mới có hiệu lực, nhưng các doanh nghiệp vận tải đã cảm thấy sức nóng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu, trong đó, mức thuế đối với xăng tăng lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).
Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Đổ đầu… người tiêu dùng
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (khai thác tuyến vận tải khách Hải Phòng- Hà Nội) cho rằng, giá xăng dầu thời gian qua tăng liên tục, nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn “ghìm giá” cước. Nếu giờ tăng thêm thuế xăng dầu, chắc chắn sẽ tác động đến giá thành vận tải và đẩy gánh nặng chi phí về phía doanh nghiệp, người dân và hành khách.
“Đối với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm từ 30-40% giá thành. Trong cơ cấu giá thành, nếu thuế đánh vào xăng dầu tăng 10% thì cước vận tải sẽ tăng 3-4%”, ông Hải cho biết.
Vận tải lo ngại tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu
Theo ông Hải, hiện nay, vận tải đang có sự canh tranh lớn giữa các loại hình, nếu không giữ bình ổn giá cước thì người dân sẽ hạn chế đi xe khách.
“Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu khiến chúng tôi càng thêm khó khăn do phải đang chịu nhiều chi phí bến bãi, phí BOT cầu đường cao, phí bảo trì đường bộ thu trên đầu xe”, ông Hải bày tỏ.
Tương tự, taxi là ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng lên 4.000 đồng/lít. Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Taxi Nguyên Minh chia sẻ, việc tăng thuế môi trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cước và doanh nghiệp. Ngoài ra, lĩnh vực vận tải hàng hóa cũng sẽ chịu tác động không nhỏ.
Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, mức thuế đối với xăng dầu tăng thì mỗi lít xăng doanh nghiệp vận tải phải “móc hầu bao” chi thêm 1.000 đồng. Con số này tưởng chừng nhỏ, song cộng dồn vào cả năm sẽ dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng khá lớn.
“Các loại vật giá đều tăng theo giá xăng dầu… Khi chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp phải tăng giá đầu ra như giá cước vận tải và người dân phải sẽ là đối tượng gánh chịu cuối cùng”, ông Liên cho biết.
Minh bạch thu-chi để người dân hiểu, ủng hộ
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít là nằm trong lộ trình và việc tăng thuế đương nhiên ảnh hưởng giá thành, giá cước tăng lên. Tuy nhiên, việc tăng cước sẽ có độ trễ nhất định, không phải tăng giá nhiên liệu lên là tăng cước được ngay.
“Theo tính toán, khi giá nhiên liệu tăng 10% thì mới phải điều chỉnh giá cước, hiện mức tăng thuế xăng chỉ là 1.000 đồng/lít, tức là mới 5%, sẽ chưa ảnh hưởng ngay, nhưng có thể dần dần tích tiểu thành đại”, ông Thanh phân tích.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam sẽ khuyến cáo doanh nghiệp tính toán giảm chi phí không cần thiết, có thể chủ động đề ra các phương án giải quyết bài toàn cân đối thu-chi.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, tất cả các sản phầm, dịch vụ từ gạo, gia cầm, dệt may… đa phần phải vận chuyển bằng vận tải nên tăng giá xăng, dầu sẽ làm tăng chi phí, giá thành.
Đáng nói, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhìn nhận, việc tăng thuế bảo vệ môi trường nằm trong lộ trình song cần làm rõ, minh bạch mục tiêu chi số thuế thu được để người dân hiểu và ủng hộ.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Minh cũng bày tỏ: “Việc tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu cũng đã được thông qua, vấn đề là minh bạch việc sử dụng để người dân ủng hộ”.
Ngân Tuyền (ANTĐ)