Hà Nội đề xuất quản lý xe đạp điện như xe máy
UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện quy định để thực hiện quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy. Thành phố cũng đề nghị quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe điện chở người 4 bánh phục vụ kinh doanh.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, trong những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến ở các thành phố, từ học sinh phổ thông cho đến người lớn tuổi đều ưa sử dụng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung là do không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy.
Cần luật hóa xe đạp điện
Xe đạp điện cũng được thiết kế tương tự mẫu mã như dòng xe máy tay ga cao cấp thu hút được người sử dụng. Tuy nhiên, phương tiện được đánh giá là thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi lại đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị.
Xe đạp điện có thể đạt được vận tốc đến 50km/h
Hiện nay, thành phố Hà Nội có trên 7.000 xe đạp điện và xu hướng sử dụng ngày càng tăng cao, đặc biệt nhóm đối tượng học sinh. Đây là loại hình phương tiện mới và được sử dụng với công dụng tương tự như xe máy điện hoặc xe máy (vận tốc có thể đạt được đến 50km/h). Do đó cần thiết quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới.
Dù vậy, theo pháp luật hiện hành, “xe đạp điện” chưa được quy định là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên chưa đủ cơ sở để thực hiện “quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy”.
Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang báo cáo Chính phủ về xây dựng Luật Giao thông đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008. UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Giao thông vận tải bổ sung “xe đạp điện” là đối tượng thuộc nhóm “'phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ” trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Cần giám sát xe điện chở người 4 bánh
Cùng đó, thành phố cũng đề nghị cần ban hành quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh.
Đây là yêu cầu cấp thiết bởi thành phố Hà Nội có tổng số 88 xe điện của 5 doanh nghiệp được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép hoạt động thí điểm tại03 khu vực hạn chế (khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài gồm Công ty CP phát triển đầu tư Hoàng Phong (8 xe), Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hàng không Thủ Đô (10 xe), Công ty CP đầu tư thương mại Nội Bài (10 xe); khu vực Hồ Tây do Công ty CP TLC Hồ Tây được khai thác 2 tuyến với 20 xe; khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm do Công ty CP Đồng Xuân khai thác với 40 xe.
Các xe điện này đã được cấp biển số theo quy định về điều kiện đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.
Tuy nhiên, xe điện 4 bánh cũng là phương tiện được sử dụng kinh doanh vận tải phục vu khách du lịch, tức là kinh doanh vận tải hành khách, nên một số điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cần được áp dụng đối với loại hình này để tăng cường quản lý. Trong đó, việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe điện 4 bánh là rất cần thiết nhằm để quản lý, theo dõi hoat động của phương tiện trong khi tham gia giào thông.
Hiện nay, nội dung “quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh” chưa được quy định trong Nghị định của Chính phủ và các quy định hiện hành.
Do đó, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phuc vụ kinh doanh.
Phương Mai (ANTĐ)