Vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9 hồ Hoàn Kiếm đã được nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng

| Thị trường
Xếp hạng 4.7 - 9 đánh giá

Các chuyên gia giao thông, kiến trúc sư tâm huyết với Hà Nội đều khẳng định, ga ngầm C9 hồ Hoàn Kiếm, thuộc tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo không ảnh hưởng đến di tích cũng như cảnh quan Hồ Gươm.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, ga ngầm C9 đã được nghiên cứu công phu và có đầy đủ căn cứ pháp lý. Ga ngầm C9 đã được đề cập đến trong quy hoạch Hồ Gươm từ năm 1996.

Quy hoạch chung năm 1998 tiếp tục đặt ra vấn đề ưu tiên xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) bao gồm 5 tuyến, trong đó có tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Từ năm 2004 - 2007, Hà Nội đã hợp tác với Cơ quan hợp tác hỗ trợ Nhật Bản (JICA) và TP Seoul (Hàn Quốc) thực hiện Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP). Dự án HAIDEP được nghiệm thu đã chỉ rõ tuyến ĐSĐT số 2 phải đi qua khu vực bờ hồ.

Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) cũng xác định phải thực hiện tuyến ĐSĐT số 2; tư vấn nước ngoài rất ủng hộ và đề xuất vị trí ga C9 cạnh bờ hồ. Sau khi Hà Nội mở rộng lại mất 3 năm nghiên cứu và để tư vấn Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản thẩm định lại quy hoạch.

Vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9 hồ Hoàn Kiếm đã được nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội 

Năm 2011, Quy hoạch chung của Hà Nội được duyệt, trong đó xác định Hà Nội sẽ có 8 tuyến ĐSĐT để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh xung quanh. Sau đó mất 5 năm nghiên cứu về giao thông, năm 2016, Thủ tướng duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch GTVT một lần nữa khẳng định Hà Nội có 8 tuyến ĐSĐT, trong đó xác định tuyến Nội Bài - Thăng Long dài 36km, đi qua bờ hồ.

“Từ Quy hoạch chung năm 1992 đến Quy hoạch có hiệu lực gần đây nhất của Hà Nội đều khẳng định tuyến ĐSĐT số 2 có đi qua bờ bồ, và xác định vị trí ga ngầm C9. Nói cách khác, đây là cơ sở pháp lý đầy đủ, ổn định nhất; đồng thời cũng cho thấy việc nghiên cứu ga ngầm C9 đã được thực hiện công phu, nghiêm chỉnh; vị trí lựa chọn đã ổn định lâu dài rồi”, TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9 hồ Hoàn Kiếm đã được nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng

TS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, vị trí đặt ga ngắm C9 đã được nghiên cứu rất công phu qua nhiều năm

Hội đồng tư vấn kiến trúc, quy hoạch cho thành phố Hà Nội đã bàn rất nhiều phương án về mặt bằng ga ngầm C9 và cuối cùng, tháng 6-2012 đã chọn phương án tối ưu, chính là phương án đưa ra trưng bày để nhân dân đóng góp ý kiến vào tháng 3 vừa qua. Đa số các chuyên của Hội đồng, gồm cả chuyên gia về quản lý, lịch sử, quy hoạch… đều thống nhất phương án ga ngầm C9 đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh bờ hồ.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, vị trí đặt ga ngầm C9 vi phạm Luật Di sản văn hóa, TS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, ga ngầm C9 nằm ở Vùng II - Vùng bảo vệ; nằm ngoài Vùng I - Vùng bảo vệ nguyên trạng của hồ Gươm. Trong Luật Di sản đã xác định, Vùng II có thể được cải tạo, chỉnh trang nhưng phải tuân thủ các quy định, đặc biệt là về chiều cao công trình. Như vậy không xâm phạm vào di tích lịch sử quốc gia, cũng không vi phạm Luật Di sản.

Ngoài ra, trong Hiến chương Washington 1987 về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị lịch sử, mà Việt Nam đã ký cam kết thực hiện có quy định: “Việc đưa các yếu tố đương đại vào các đô thị lịch sử hoàn toàn có thể chấp nhận, nhưng phải thận trọng, phù hợp với quy hoạch; với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân và phải được cư dân khu vực ủng hộ.

Tôi cho rằng, Dự án đã có quá trình nghiên cứu thận trọng, công phu; quan tâm đầy đủ các yếu tố: Dân cư, di sản, kỹ thuật… Do đó kết quả đưa ra có thể chấp nhận và nên chấp nhận”, TS Đào Ngọc Nghiêm nhìn nhận.

Tuy nhiên, TS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý, quá trình thi công ga ngầm C9 cần lưu ý một số vấn đề: kỹ thuật thi công như thế nào để tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến di tích xung quanh.

Ngân Tuyền (ANTĐ) 

SourceXeHay