Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội: Ga ngầm C9 hồ Hoàn Kiếm không vi phạm Luật Di sản văn hóa
Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định, vị trí đặt ga ngầm C9 hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo không vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, “không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô”.
Thêm vào đó, quá trình thi công và vận hành đường ngầm hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại di tích, vi phạm điều cấm của luật Di sản văn hóa…
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định, Luật Di sản văn hóa quy định: khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường - sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích...
Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định, vị trí tổng thể ga ngầm C9 không vi phạm Luật Di sản văn hóa
Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan chỉ quy định cắm mốc khoanh vùng khu vực bảo vệ I và II, không quy định khoảng cách theo chiều sâu bảo vệ di tích; Công trình hầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9 không xâm phạm vùng bảo vệ I, phần lớn là ngầm dưới mặt đất dưới khu vực bảo vệ II, giúp người dân, khách du lịch thuận tiện hơn trong việc tiếp cận, quảng bá phát huy giá trị khu di tích, phục vụ người dân phố cổ có phương tiện giao thông thuận tiện, góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, cảnh quan...
“Cho rằng công trình hầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9 vi phạm luật Di sản văn hóa là chưa có cơ sở, ông Hiếu khẳng định.
Hơn nữa, trong suốt quá trình nghiên cứu, lập dự án, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã nhiều lần có văn bản xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vào tháng 5 và tháng 7 vừ qua, UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổng thể mặt bằng ga ngầm C9.
Tại các văn bản này, Hà Nội kiến nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét có ý kiến thống nhất phương án tổng mặt bằng Ga Ngầm C9 Hồ Hoàn Kiếm làm cơ sở phê duyệt, triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ của dự án.
Mức lún dự theo tính toán xung quanh ga C9 do thi công nhà ga
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình triển khai kéo dài từ năm 2004 đến nay, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã lấy ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành và chuyên gia giao thông đô thị, nhà sử học… theo quy định. Từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện khảo cổ học, các nhà sử học có tên tuổi như GS sử học Lê Văn Lan, GS Phan Huy Lê, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc... đều đồng thuận với vị trí ga ngầm C9 hiện nay.
Đặc biệt, đợt triển lãm kéo dài 1 tháng diễn ra hồi tháng 3 vừa qua tại khu vực hồ Hoàn Kiếm về việc lấy ý kiến người dân, chuyên gia, nhà khoa học… về vị trí ga ngầm C9, có đến hơn 90% ý kiến đóng góp ủng hộ vị trí này. Đồng thời bày tỏ mong muốn dự án nhanh chóng triển khai để đi vào hoạt động.
Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, hướng tuyến hầm được thiết kế tránh các ảnh hưởng không đáng có cho các công trình trên mặt đất và tránh phức tạp phát sinh khi thi công như các tòa nhà có kết cấu móng cọc bê tông cốt thép sâu và tránh công trình kiến trúc văn hóa lịch sử.
Tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu phù hợp, lớp đất phủ bên trên dày ít nhất khoảng 12 m đảm bảo mức lún bề mặt thấp nhất trong quá trình thi công, vận hành nên không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến hầm.
Hầm có đường kính 6,5m thi công bằng máy khiên đào TBM với công nghệ tiên tiến, triệt tiêu hoàn toàn độ rung lắc, độ lún bề mặt không đáng kể, kiểm soát và tránh tối đa ảnh hưởng đến các công trình lân cận thông qua các bộ cảm biến kết nối với trung tâm điều khiển.
Xét đến ảnh hưởng đến Tháp Bút do xây dựng đường hầm, độ sâu và khoảng cách ngang giữa các đường hầm và tháp được giữ đủ để đảm bảo an toàn. Với khoảng cách này độ lún phân tích của Tháp Bút trong thời gian thi công chỉ khoảng 1-4mm, đó là độ lún rất nhỏ.
Trong giai đoạn vận hành tàu, với việc lắp đặt hệ thống kết cấu đường sắt chạy tàu chống rung sẽ làm giảm tối đa tiếng ồn và rung động, không ảnh hưởng tới các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến, trong đó có Tháp Bút, đền Bà Kiệu và các công trình, nhà cửa trong khu phố cổ.
Với công nghệ thi công hầm và ga ngầm tiên tiến hiện nay sự tác động, ảnh hưởng đến các hạng mục của di tích và khu phố cổ là rất nhỏ. Thêm nữa với sự khảo sát, tính toán cẩn thận trong quá trình thiết kế; đo đạc, kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị cảm biến gắn trong công trình trước, trong và sau quá trình thi công cùng các biện pháp phòng ngừa sự cố trong từng giai đoạn sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hạng mục của di tích và phố cổ.
Ngân Tuyền (ANTĐ)