Các bộ nói không, Thái Nguyên vẫn muốn "nâng đời" QL3 mới lên cao tốc
Tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc là hết sức cần thiết.
Theo đó, tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho rằng, với lượng phương tiện vận tải tham gia giao thông lớn như hiện nay và năng lực phục vụ hiện tại, vào giờ cao điểm QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên thường xảy ra ùn tắc giao thông khi có một lượng lớn xe vận tải hàng hóa và vận chuyển công nhân cùng tham gia giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm, giờ tan ca của nhà máy Samsung.
Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc gồm đầu tư mở rộng thêm vào dải phân cách giữa mỗi bên 2,25m; thảm bê tông nhựa tạo nhám mặt đường; bổ sung hoàn chỉnh đường gom, đường ngang; hoàn thiện nút giao Yên Bình; đầu tư hệ thống giao thông thông minh- ITS để đồng bộ với ITS của giao thông cao tốc miền Bắc là hết sức cần thiết.
Tỉnh Thái Nguyên vẫn muốn tiếp tục Nâng Cấp Ql3 Mới Thành Cao Tốc Theo Hình Thức Bot
Dự án Đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên giai đoạn 1 được Bộ GTVT triển khai xây dựng từ năm 2009, hoàn thành đưa vào khai thác sừ dụng vào tháng 7-2013.
Dự án được triển khai bằng nguồn vốn ODA, bởi vậy, khi Quỹ bảo trì đường bộ hoạt động cũng như việc siết chặt tín dụng cho các dự án BOT, dự án này đã không thể tiếp tục nâng cấp lên cao tốc (hiện đang dừng ở mức tiền cao tốc) và thu phí.
Do đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xin dừng “lên đời” dự án này thành cao tốc theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên cho rằng, đây là Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Thái Nguyên trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thủc đẩy phát triền kinh - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh, ổn định và bền vững.
Hơn nữa, qua 5 năm đưa vào khai thác sử dụng, QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đã bắt đầu xuống cấp, nhiều đoạn lún võng, mặt đường rạn nứt, tiềm ần nguy cơ mất an toàn giao, thông.
Không chỉ Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Bộ GTVT về dừng nâng cấp QL3 mới thành cao tốc.
Bộ KH-ĐT cho biết, Dự án đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức BOT đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc tại văn bản số 1501/TTg – KTN ngày 28-5-2015.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GTVT trình Thủ tướng phương án điều chỉnh phạm vi Dự án đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc để đầu tư thêm đoạn Chợ Mới – Bắc Kạn.
Tuy nhiên, tuyến QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên được đầu tư từ nguồn vốn ODA nên việc hoàn thiện tuyến này theo tiêu chuẩn cao tốc và tiến hành thu phí là không phù hợp.
Mặt khác, theo Bộ GTVT, việc đầu tư độc lập đoạn Chợ Mới – Bắc Kạn theo hình thức BOT cũng không khả thi về phương án tài chính để kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân.
Vì vậy, việc Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho dừng Dự án đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên và Chợ Mới – Bắc Kạn theo hình thức BOT là phù hợp.
Liên quan đến việc bố trí vốn để trả nợ đọng xây dựn cơ bản cho Dự án xây dựng QL3 mới, Bộ KH-ĐT cho biết, hiện nay chưa có chủ trương sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020. Do đó, đề nghị sử dụng nguồn vốn này để thanh toán nợ đọng của Bộ GTVT là chưa có cơ sở xem xét tại thời điểm này.
Ngân Tuyền (ANTĐ)