Hơn 300.000 ô tô sẽ phải lắp hộp đen có camera ghi hình?

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Theo quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải do Bộ GTVT vừa trình Chính phủ, hơn 300.000 ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thay mới thiết bị giám sát hành trình (hộp đen-GPS) nếu văn bản này được thông qua.

Tốn kém hàng nghìn tỷ đồng

Cụ thể, khoản 2, điều 12 Dự thảo Nghị định quy định: “Thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình”.

Lộ trình áp dụng: Trước ngày 1-7-2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên; trước ngày 1-7-2023 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc; trước ngày 1-7-2024 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên và trước ngày 1-7-2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.

Ngoài ra, còn đề xuất thêm nội dung dữ liệu hộp đen phải lưu trữ như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày và đề nghị bổ sung xe trung chuyển vào loại phương tiện phải gắn hộp đen.

Hơn 300.000 ô tô sẽ phải lắp hộp đen có camera ghi hình?

Hàng trăm nghìn ô tô kinh doanh sẽ phải lắp mới hộp đen có camera

Theo tính toán của Bộ GTVT, sẽ có trên 340.000 ô tô kinh doanh vận tải phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe.

Với giá thiết bị hộp đen từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/chiếc, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng, tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới đối với các doanh nghiệp lên tới khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng kèm theo chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, cách đây chưa đầy 2 năm, khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải) đã phải bỏ ra khoảng trên 3.000 tỷ đồng để gắn hộp đen theo Nghị định 171/NÐ-CP.  Với quy định mới này, các thiết bị hộp đen cũ đã lắp sẽ phải thay đổi, hoặc lắp thiết bị mới.

Lái xe không đồng tình 

Mặc dù Dự thảo mới được Bộ GTVT trình lên Chính phủ nhưng giới lái xe và nhiều hiệp hội vận tải địa phương đã phản đối quy định này.

Các lái xe cũng như hiệp hội vận tải địa phương cho rằng, dữ liệu hộp đen hiện nay cũng chưa khai thác hết được tính năng và chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi ban đầu. Tính đến thời điểm hiện nay, thiết bị GPS gắn trên các phương tiện kinh doanh vận tải mới chỉ được cơ quan chức năng sử dụng bị động như một ổ cứng lưu trữ thông tin.

Đặc biệt, hiện có tới 30% doanh nghiệp không truyền dữ liệu hộp đen về Tổng cục Đường bộ theo quy định. Trong những vụ TNGT thảm khốc vừa qua, các phương tiện gây tai nạn đều không truyền dữ liệu hộp đen về cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho hay, quy định lắp hộp đen trên mới được đưa vào dự thảo nghị định. Các dự thảo trước đó Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp không có nội dung này.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc tích hợp thêm tính năng ghi lại hình ảnh lái xe vào GPS là khó thực hiện về mặt kỹ thuật và chắc chắn sẽ gây thêm tổn phí.

“Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải tìm ra phương thức sử dụng hữu hiệu GPS chứ không phải “vẽ” thêm điều kiện cho doanh nghiệp mà không tận dụng, phát huy hết được tính năng của thiết bị”, ông Hùng bày tỏ.

Theo các chuyên gia giao thông, việc kiểm soát, quản lý phương tiện qua GPS quan trọng nhất là đảm bảo 3 yếu tố: tốc độ vận hành, thời gian hoạt động của lái xe và chạy đúng hành trình.

Hệ thống hộp đen hiện nay hoàn toàn cung cấp đầy đủ 3 thông tin trên, quan trọng là cách thức triển khai quản lý. Chưa có các nước tiên tiến nào trên thế giới ép buộc doanh nghiệp phải gắn GPS. Việc lắp hay không nên để tùy thuộc vào nhu cầu quản lý phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay