Xe công nghệ có thể sẽ không phải gắn mào như taxi truyền thống
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi của Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải. Một trong những điểm đáng chú ý là Bộ quyết định xe công nghệ không phải taxi.
Bộ GTVT nhận định, loại hình xe công nghệ mang lại khá nhiều tiện ích cho hành khách và người dân như tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại: lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe, biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện.
Bộ GTVT cho rằng, xe công nghệ không phải taxi và sẽ không phải Gắn Mào như Taxi Truyền Thống
Hiệu quả rõ nhất là rút ngắn được thời gian hành khách chờ xe đến đón đối với mỗi chuyến đi của hành khách; điều này rất có lợi cho người dân và hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn, được sử dụng dịch vụ tốt hơn và giá dịch vụ hợp lý hơn cho mỗi chuyến đi.
"Việc triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng và đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi ứng dụng phần mềm đã thúc đẩy việc đổi mới, ứng dụng công nghệ trong các đơn vị vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông góp phần triển khai tốt việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam”, Bộ GTVT nhìn nhận.
Tuy nhiên, tại Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT cũng cho rằng, loại hình xe công nghệ còn tồn tại một số khuyết điểm như do nhu cầu cao nên lượng xe cũng tăng mạnh, gây khó khăn cho quản lý; một số lái xe không chấp hành dán phù hiệu đầy đủ, không chịu chế tài quản lý liên quan đến việc cấm xe trên một số tuyến phố của các Sở GTVT địa phương….
Một trong những điểm nổi bật, vẫn còn gây tranh cãi mà Bộ GTVT cho rằng, chờ quyết định của Chính phủ đó là xe công nghệ là xe hợp đồng hay taxi và có gắn mào cho loại hình xe công nghệ hay không?
Bộ GTVT trình Chính phủ 2 phương án, trong đó, phương án 1 là xe hợp đồng điện tử như Grab, T.NET, GOFAST… phải có phù hiệu “Xe hợp đồng điện tử”; không phải là xe taxi (không phải gắn mào như xe taxi truyền thông).
Còn phương án 2, theo đề xuất của Hiệp hội taxi Hà Nội và TP.HCM, quy định toàn bộ các phương tiện kinh doanh vận tải có sức chứa dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền (bao gồm cả các phương tiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử như đang hoạt động thí điểm hiện nay) phải là xe taxi.
Bộ GTVT cho biết, Bộ nghiêng về phương án 1. Bởi, việc kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng được sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử là phù hợp với quy định về Luật giao dịch điện tử, Luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Bản chất của hợp đồng là khách hàng biết trước được giá trị hợp đồng (quãng đường, số tiền...) và quyết định có đi hay không trước khi ký hợp đồng.
“Đây là một trong số các nội dung còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị xin ý kiến thành viên Chính phủ xem xét quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng bổ sung niên hạn đối với xe công nghệ, xe tham gia loại hình vận tải này buộc phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có số chỗ từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Ngân Tuyền (ANTĐ)