Từ 1-8: Ba tuyến buýt "sạch" đầu tiên của Hà Nội sẽ lăn bánh

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Từ 1-8 tới đây, Hà Nội sẽ thí điểm triển khai 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG thay vì theo kế hoạch cũ là từ 1-7. Vì đâu lại có sự chậm trễ này?

Ưu tiên 3 tuyến có cự ly dài

Theo Quyết định của Sở GTVT , 3 tuyến buýt sử dụng sẽ chính thức đưa vào vận hành từ đầu tháng 8-2018 (kế hoạch cũ là 1-7),  gồm 50 xe, sức chứa 50 chỗ.

Cụ thể, tuyến CNG 01 có lộ trình bến xe Mỹ Đình- bến xe Sơn Tây: sẽ hoạt động 17/19 xe từ 5h00-20h30, tần suất 15-20p/lượt, giá vé 9.000 đồng/lượt, cự ly 42,3 km.

Lộ trình vận hành: Bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Mễ Trì – Châu Văn Liêm – Đại lộ Thăng Long (đường gom) – Phượng Cách – Tỉnh lộ 421B – Tỉnh lộ 420 – Tỉnh lộ 419 – Quốc lộ 32 – Chùa Thông (Sơn Tây) – Bến xe Sơn Tây và ngược lại.

Từ 1-8: Ba tuyến buýt

CNG tại Sài Gòn

Tuyến CNG02: bến xe Yên Nghĩa- Khu đô thị Đặng Xá: sẽ hoạt động 14/16 xe từ 5h00-21h00, tần suất 15-20p/lượt, giá vé 9.000 đồng/lượt, cự ly 35,65 km.

Lộ trình vận hành: Bến xe Yên Nghĩa – Quang Trung (Hà Đông) – Lê Trọng Tấn (Hà Đông) – đường Phúc La, Văn Phú – Cầu Bươu – Thanh Liệt – Cầu Dậu – Nghiêm Xuân Yêm – Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng – Bến xe Giáp Bát – Giải Phóng – Kim Đồng – Tân Mai – Tam Trinh – Minh Khai – Cầu Vĩnh Tuy – Đàm Quang Trung – Chu Huy Mân – Trần Danh Tuyên – Sài Đồng – Nguyễn Đức Thuận – Khu đô thị Đặng Xá và ngược lại.

Tuyến CNG03: có lộ trình Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2- KĐT Times City sẽ hoạt động 13/15 xe từ 5h00- 21h00, tần suất 15-20p/lượt, giá vé 8.000 đồng/lượt, cự ly 29,55 km.

Lộ trình vận hành cụ thể: Bệnh viện bệnh nhiệt đới TW CSII – KCN Bắc Thăng Long – Hoàng Sa – Phương Trạch – Đường 6 cây – Cầu Nhật Tân – Võ Chí Công – Bưởi – Đội Cấn – Liệu Giai – Kim Mã – Nguyễn Thái Học – Lê Duẩn – Trần Hưng Đạo – Bà Triệu – Trần Khát Chân – Võ Thị Sau – Thanh Nhàn – Kim Ngưu – Cầu Mai Động – Minh Khai – KĐT Times City và ngược lại.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cả 3 tuyến CNG đều do Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến quản lý và khai thác. Các công tác chuẩn bị để đưa 3 tuyến này đi vào vận hành đã được Sở GTVT, đại diện là Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị phối hợp với Công ty chuẩn bị kỹ lưỡng từ cuối năm 2017. Đến nay, đoàn phương tiện đang được chuyển về đơn vị, dự kiến trong sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Theo đó, tuyến CNG01 và CNG03 vận hành từ ngày 1-8; tuyến CNG02 vận hành từ ngày 9-8.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội nhìn nhận, CNG là khí thiên nhiên với thành phần chủ yếu là metane (CH4), được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon thơm kèm theo nên khí đốt nhiên liệu này không phát sinh bụi, giải phóng rất ít khí độc (SO2, NO2, CO,…).

Bởi vậy, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Bên cạnh đó, do là khí nén nên trong quá trình vận chuyển nếu chẳng may có sơ suất, khí CNG thoát ra ngoài cũng sẽ không gây độc hại cho môi trường như một số loại nhiên liệu xăng, dầu hay nhiên liệu lỏng khác.

CNG còn có thêm vài ưu điểm điểm khác như giá thành rẻ hơn so với các loại nhiên liệu khác từ 10-30%. Nếu so với dầu FO, DO và LPG thì dùng CNG trong sản xuất có giá thành rẻ hơn 10-15%, dùng trong vận tải có giá rẻ hơn 30-40%. Vì thế, sử dụng loại nhiên liệu sạch này sẽ góp phần giảm được tối đa chi phí nhiên liệu.

Tính toán của một số nhà khoa học cho thấy, giá 1 tấn khí CNG khoảng 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu. Mỗi xe buýt sử dụng CNG hoạt động 1 năm sẽ tiết kiệm 8.308 USD chi phí nhiên liệu so với dầu diezel.

Trạm tiếp nhiên liệu còn khiêm tốn

Trả lời về việc vì sao lại chậm trễ triển khai và không nhân rộng mô hình xe buýt nhiên liệu sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, đại diện  Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, dù được biết đến với nhiều ưu điểm, song việc đưa khí nén thiên nhiên CNG vào ứng dụng rộng rãi trong GTVT không thể một sớm một chiều, mà cần có thời gian và những bước chuẩn bị. Điều kiện đầu tiên là cơ sở vật chất phải đáp ứng nhu cầu, cụ thể là xây dựng thêm các đường ống vận chuyển khí, nhiều trạm tiếp nhiên liệu.

Đặc biệt, ở Việt Nam hiện nay mới có 2 trạm nạp khí nén CNG cho các phương tiện GTVT: 1 trạm ở Phú Mỹ, Đồng Nai và 1 trạm ở gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, mỗi xe buýt xanh (tại TP HCM), sau khi được nạp đầy nhiên liệu khí CNG có thể chạy được quãng đường dưới 300km, sau đó lại phải chạy tới 2 địa điểm trên để nạp thêm khí. Vì thế, dù trên thực tế các loại xe ô tô và xe máy đều có thể sử dụng được loại khí này sau khi lắp thêm bộ chuyển đổi, song để loại khí này áp dụng được trên các phương tiện giao thông sử dụng động cơ thì cần một khoảng thời gian nữa. Còn tại Hà Nội, mới có 1 trạm đặt ở khu vực trụ sở của Công ty Bảo Yến tại Đông Anh.

“Việc sử dụng khí nén CNG sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, song để làm được điều này cần có  một quá trình chuẩn bị lâu dài. Trước mắt, cần xem xét những phản hồi thực tế sau khi các tuyến xe buýt xanh đưa vào hoạt động…” - vị đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị thông tin.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay