Vận tải ứng dụng công nghệ: Chậm trễ sẽ bị bỏ lại phía sau

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Nếu không nhìn nhận vấn đề để thay đổi thì chắc chắn, thị phần taxi truyền thống sẽ bị co hẹp trong bối cảnh ứng dụng công nghệ ngày càng rộng rãi, từ nông nghiệp, công nghiệp tới dịch vụ.

Bảo lưu cái cũ là đi ngược cuộc sống

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thẳng thắn, cần ứng dụng công nghệ để đổi mới thì mới tạo được thế “thiên thời địa lợi, nhân hòa”. Và đây cũng là xu thế chung của lĩnh vực vận tải trên thế giới.

Nhìn nhận về taxi truyền thống tại 1 cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thẳng thắn bày tỏ, taxi truyền thống cần ứng dụng công nghệ để tăng cường quản lý nội bộ và phục vụ tốt quản lý Nhà nước. Taxi truyền thống phải thích nghi, nếu không sẽ bị đào thải.

Vận tải ứng dụng công nghệ: Chậm trễ sẽ bị bỏ lại phía sau

Vận tải ứng dụng công nghệ là xu thế tất yếu, taxi truyền thống nên tận dụng lợi thế để có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"

Quan điểm này của Bộ trưởng Bộ GTVT được đông đảo người tiêu dùng đồng tình, là xu thế tất yếu của cuộc sống. Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giao thông cũng cho rằng, quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT là tích cực và hợp bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để tiếp cận và vận dụng với công nghệ 4.0.

Nhìn nhận quan điểm đầy thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ GTVT, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc ứng dụng và phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải khách bằng taxi, xe hợp đồng sử dụng phần mềm đặt xe là xu thế của xã hội hiện đại và là một bức tranh sinh động của nền kinh tế.

Trong bất cứ ngành nào cũng đều phải tự vận động, phát triển và đổi mới để thích ứng với nhu cầu thực tế của xã hội bởi thực tiễn cuộc sống, kinh tế cạnh tranh phát triển khoa học công nghệ không chờ đợi và cũng không cần chờ ai chỉ đạo.

Thời kỳ công nghệ 4.0 bắt buộc phải đổi mới để thích ứng và bắt kịp với công nghệ tiên tiến của thế giới. Vận tải bản thân là ngành dịch vụ nên việc ứng dụng 4.0 các nước tiên tiến đã ứng dụng hàng chục năm trước nên hiện nay Việt Nam thí điểm và triển khai là đi đúng theo xu hướng, không có gì mới mẻ. Còn nếu quốc gia nào chậm trễ thì sẽ bị bỏ lại phía sau”.

Ứng dụng công nghệ trong vận tải là phù hợp xu thế

Đánh giá về bức tranh loại hình vận tải taxi hiện nay TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết: “Những năm vừa qua các hãng cao gia nhập vào thị trường Việt Nam họ sử dụng phần mềm cũng như ứng dụng rất tiện ích nên được khách hàng lựa chọn sử dụng.

Đồng thời cũng tạo ra được một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải bấy lâu nay. Vì vậy để cạnh tranh được, taxi truyền thống ngoài việc giữ lại những lợi thế vốn có thì bắt buộc phải đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm hạ giá thành, nâng cao tiện ích cho khách hàng để nâng cao thị phần kinh doanh”.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, taxi truyền thống sẽ “không chết” nhưng thị phần sẽ bị co hẹp nếu không thay đổi. Thực tế đã và đang diễn ra, nhưng dường như, một số hãng taxi truyền thống chưa chấp nhận sự thực mà tiếp tục đổ lỗi cho rằng, taxi công nghệ đã khiến taxi truyền thống lao đao, kinh doanh sa sút.

Mới đây nhất, các hãng taxi lại “tố” Quyết định số 24 ngày 7-1-2016 cho phép triển khai thí điểm hình thức vận tải hợp đồng điện tử của Bộ GTVT có khuất tất. Theo Bộ GTVT, Bộ đã nhiều lần trả lời và làm rõ quy trình khi ban hành Quyết định số 24/QD-BGTVT để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19-10-2015.

Trong đó bao gồm các nội dung đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất thí điểm và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm tại văn bản 1850/TTg-KTN, quá trình trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ (trước khi ban hành QĐ 24), Bộ GTVT đều lấy ý kiến và tiếp thu giải trình các bên ý kiến tham gia của Bộ, ngành và địa phương liên quan, việc thí điểm ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật giao dịch điện tử, Bộ Luật dân sự.

Thực tế, theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, 1 hãng taxi truyền thống có thương hiệu ở phía Nam là Vinasun cũng là 1 trong 8 đơn vị có mặt đầu tiên trong danh sách các công ty được phép triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử bên cạnh những “tân binh” như Grab, Uber. Điều này cho thấy, với chương trình thí điểm ứng dụng công nghệ vào kết nối xe hợp đồng điện tử thì cơ hội không chỉ dành riêng cho xe công nghệ.

Bộ GTVT cho rằng, thực tế cho đến nay sau hơn 2 năm thí điểm, việc quy định doanh nghiệp và hợp tác xã mới được thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử là phù hợp trong quản lý vận tải cũng như quản lý thuế.

Hà Thủy (ANTĐ)

SourceXeHay