Xe đạp cho thuê Obike của Singapore là "trung tâm rắc rối" ở châu Âu

| Thị trường
Xếp hạng 3.6 - 9 đánh giá

Công ty cung cấp dịch vụ dùng chung xe đạp Obike mới thành lập hơn 1 năm nhưng đã đệ đơn xin phá sản tại trụ sở chính ở Singapore. Hậu quả, hàng nghìn chiếc xe đạp của hãng, phần lớn trong số đó bị hỏng, đang bị bỏ mặc trên các vỉa hè ở nhiều thành phố trên thế giới.

Xe đạp cho thuê Obike của Singapore là

  đã phải siết chặt quy định vì lo ngại tình trạng xe đạp hỏng vứt bừa bãi, không thể kiểm soát

Dịch vụ dùng chung xe đạp vốn không còn mới trên thế giới. Được thiết kế đơn giản và tiện lợi, dịch vụ này cho phép khách hàng tải ứng dụng, trả một khoản phí nhỏ để lấy xe đạp đi và đến đích thì khóa xe để lại. Việc khuyến khích sử dụng xe đạp này vừa tăng cường sức khỏe cho mọi người, lại vừa bảo vệ môi trường. Nhưng trong quá trình cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần, nhiều công ty đã bị thua lỗ và phá sản, chưa kể tình trạng bỏ xe đạp bừa bãi là bài toán đau đầu cho cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương.

Sinh sau nhưng “chết yểu”

Obike là công ty mở dịch vụ dùng chung xe đạp đầu tiên tại Singapore vào tháng 1-2017. Chỉ sau đó 1-2 tháng là cuộc đổ bộ của các công ty Trung Quốc như Ofo và Mobike. Đơn vị tham gia gần đây nhất là một công ty khởi nghiệp địa phương Anywheel, ra mắt vào đầu năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp về chia sẻ xe đạp ở Singapore lên 8 công ty. Một dịch vụ bùng nổ quá mức cần thiết dẫn đến tình trạng bãi đỗ xe trở nên bừa bãi, phần đường dành cho người đi bộ bị chiếm dụng, xe đạp dùng chung bị hư hỏng nặng, thậm chí bị quăng cả xuống kênh.

Ngay từ tháng 4-2017, Obike và Ofo đã gặp rắc rối bởi người dùng để xe bất hợp pháp và phá xe đạp của họ. Đến ngày 25-6-2018, Obike tuyên bố đóng cửa tại Singapore với hiệu lực ngay lập tức, khiến công ty không thể hoàn thành việc thu dọn tất cả xe đạp của họ tại Singapore trước thời hạn 4-7. Các khách hàng ở Singapore cũng đang chờ xem liệu họ được trả lại hơn 6 triệu USD tiền đặt cọc hay không mặc dù Chính phủ đã dọa sẽ để cảnh sát vào cuộc nếu công ty cố tình không trả.

Sau khi làm thủ tục xin phá sản ở Singapore, Obike tuyên bố vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ở một số thành phố . Tuy nhiên, ở một số thành phố của Đức hiện giờ, những chiếc xe đạp cho thuê của Obike là trung tâm rắc rối. Xe đạp của hãng nằm rải rác vỉa hè, thường lấn chiếm đường dành cho người đi bộ trong khi là mục tiêu thường xuyên của sự phá hoại.

Các nhà quản lý của công ty đã hứa sẽ dọn bỏ xe đạp của họ, tuy nhiên, việc thực hiện lời hứa chưa có gì khả quan. Đơn cử, Obike đã được chính quyền thành phố Munich yêu cầu giảm đội xe đạp của họ xuống còn 1.000 chiếc, nhưng hiện khoảng 3.000 chiếc vẫn rải rác khắp thành phố. Ở Hanover hay Frankfurt, việc tiếp cận với công ty ngày càng khó, ngay cả với bộ phận theo dõi giao thông của thành phố. 

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại một số thành phố khác, như ở Rotterdam, Hà Lan, Obike đã giảm số lượng xe ban đầu từ 2.500 xe xuống còn 700 xe, xe đạp bị hỏng hoặc bị bỏ lại được đơn vị quản lý giao thông thành phố thu thập trực tiếp, còn tại Vienna, Obike đã ngừng hoạt động nhưng vẫn chưa loại bỏ xe đạp của mình.

Tương lai nào cho xe đạp dùng chung?

Ngành công nghiệp dùng chung xe đạp có tiềm năng rất lớn nhưng muốn phát triển được cần có nhiều yếu tố. Điều kiện là các công ty làm sao cân đối được cung - cầu, đồng thời phải đảm bảo ý thức của người sử dụng. Vấn đề quan trọng khác là cần có thỏa thuận rõ ràng giữa nhà cung cấp dịch vụ và chính quyền địa phương về nơi đỗ xe, bởi một số thành phố có quy định phạt nặng nếu công ty sai phạm về bãi đỗ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá rằng, lợi nhuận của mô hình kinh doanh này không nằm ở khoản phí cho thuê, trung bình 2 USD cho 30 phút, mà lợi nhuận có thể từ khai thác dữ liệu, quảng cáo và sử dụng nguồn vốn từ tiền đặt cọc.

Về phần chính quyền và cơ quan quản lý, nhiều thành phố đã có quy định chặt chẽ trước nạn bỏ xe bừa bãi, mà bài học nhãn tiền là những “nghĩa địa xe đạp xe cho thuê” ở Trung Quốc. Mới đây, Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA) của Singapore đã thiết lập thời hạn từ ngày 7-7 để các công ty chia sẻ xe đạp nộp đơn xin giấy phép hoạt động hoặc ngừng hoạt động.

Qua đó, nhà chức trách sẽ xem xét ứng dụng và trao giấy phép vào tháng 9 tới. Động thái này diễn ra sau khi ra đời Luật Đỗ xe (sửa đổi), nhằm siết chặt nạn để xe đạp thuê bừa bãi đồng thời nhà khai thác dịch vụ phải đảm bảo rằng khách hàng sử dụng mã vạch ma trận để làm bằng chứng về việc đã đỗ xe đúng quy định.

Yến Chi (ANTĐ)

SourceXeHay