Kiến nghị Chính phủ chi 4.500 tỷ đồng sửa chữa gấp đường cất hạ cánh 2 sân bay lớn nhất nước
Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ cho phép Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) được cải tạo gấp đường cất hạ cánh sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đường lăn hư hỏng nghiêm trọng, uy hiếp an toàn bay
Theo Bộ GTVT, đường cất hạ cánh (CHC) 07L/25R của Cảng Hàng Không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất được thiết kế là kết cấu mặt đường bê tông nhựa, đảm bảo khai thác tàu bay B777-300ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần trùng phục trong 10 năm tính toán trên cơ sở số liệu dự báo theo quy hoạch Tân Sơn Nhất khai thác tối đa 25 triệu hành khách/năm.
Theo số liệu thống kê đến tháng 4-2018, tổng số lần trùng phục trên đường CHC 07L/25R quy đổi về máy bay thiết kế B777-300ER là 126.600 lần trùng phục đã vượt quá số lần trùng phục theo tính toán thiết kế là 55.100 lần.
Còn đường 11R/29L (đường 1B) của CHKQT Nội Bài và hệ thống đường lăn được thiết kế là kết cấu mặt đường bê tông xi măng, đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 hoặc tương đương với tần suất hoạt động 10.500 lượt/năm trong 20 năm tính toán.
Bộ GTVT cho rằng, cần cải tạo gấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Theo số liệu thống kê, đến tháng 4-2018, tổng số lần trùng phục trên đường CHC 11R/29L quy đổi về máy bay thiết kế B747-400 là 284.200 lần trùng phục đã vượt quá số lần trùng phục theo tính toán thiết kế là 210.000 lần.
Bên cạnh đó, CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài hiện đang khai thác các chủng loại tàu bay có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn hơn so với máy bay thiết kế ban đầu.
Trước điều kiện khai thác vượt tần suất và vượt áp suất bánh hơi thiết kế như trên, đường CHC 07L/25R của CHKQT Tân Sơn Nhất đã xuất hiện một số hư hỏng như rạn, nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn càng bánh của máy bay.
Đối với đường CHC 11R/29L và các đường lăn S1, S2, S3, S7 của CHKQT Nội Bài đã xuất hiện một số hư hỏng như mặt đường bê tông xi măng bị bong bật, nứt vỡ tấm bê tông xi măng, khe co giãn bong vật liệu chèn khe, một số tấm bê tông xi măng bị lún, phùi bùn. Những hư hỏng này sẽ ảnh hưởng đến điều kiện khai thác, đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa, làm cho chất lượng mặt đường nhanh chóng xuống cấp.
ACV đã thường xuyên duy tu và sửa chữa các hư hỏng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng hằn lún vẫn diễn ra và ngày càng nặng. Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, cần phải có phương án cải tạo, nâng cấp tổng thể mới đáp ứng yêu cầu khai thác thực tế với các dòng máy bay thế hệ mới có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn.
“Trường hợp không sớm cải tạo, nâng cấp mà tiếp tục duy trì khai thác 2 đường CHC và các đường lăn tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, dẫn đến có thể phải đóng cửa khai thác các đường CHC và đường lăn,” đại diện Bộ GTVT cho hay.
Cần 4.500 tỷ đồng để cải tạo
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã rà soát nhu cầu vốn cần bổ sung (vốn nước ngoài và vốn đối ứng) so với kế hoạch trung hạn đã được giao để triển khai các dự án ODA trong giai đoạn 2016–2020 và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hòa, điều chỉnh, sử dụng 10% vốn dự phòng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cho các dự án ODA của Bộ GTVT.
Theo đó, tổng giá trị dự phòng 10% vốn trong nước của Bộ GTVT là 3.689 tỷ đồng chỉ đủ để trả một phần nhỏ nợ các dự án BT và bổ sung vốn đối ứng cho các dự án ODA, không còn để đầu tư cải tạo, nâng cấp đường CHC và đường lăn tại CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài dự kiến khoảng 4.210 tỷ đồng; hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra dự kiến khoảng 256 tỷ đồng.
Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay của hệ thống sân đường khu bay tại hai CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài và sự thiếu đồng bộ của hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra tại một số CHK uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ dự kiến khoảng 4.466 tỷ đồng để đầu tư cải tạo, nâng cấp đường CHC và đường lăn tại CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài và hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra tại một số CHK.
Trường hợp, không thể bố trí vốn ngân sách Nhà nước như nêu trên, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án “sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện các dự án cấp bách nêu trên, thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách Nhà nước như giai đoạn trước 31-12-2017 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc sử dụng Quỹ đầu tư phát triển của ACV để thực hiện đầu tư”.
Nhiều bộ không đồng tình giao ACV thực hiện Việc cải tạo, sửa chữa đường CHC và đường lăn CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được ACV kiến nghị từ khá lâu. Song, trước đó, từ Bộ Quốc phòng đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đều phản đối việc giao cho ACV thực hiện. Bộ Quốc phòng cho rằng, các công trình thuộc khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn là công trình dùng chung của hàng không dân dụng và quốc phòng, nên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. ACV cũng chưa được giao quản lý, sử dụng và khai thác khu bay, vì thế việc sử dụng vốn của ACV đầu tư khu bay không phù hợp. Bộ KH-ĐT cho rằng, việc thực hiện cơ chế ghi thu, ghi chi ngân sách với nguồn thu từ phí sử dụng tài sản khu bay để đầu tư các dự án nâng cấp năng lực khu bay của Tân Sơn Nhất, Nội Bài phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đặc biệt, ACV đã cổ phần hóa và có sự tham gia góp vốn của cổ đông tư nhân, vì vậy Nhà nước không thể giao cho ACV làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT căn cứ theo quy định của Chính phủ lựa chọn đơn vị phù hợp làm chủ đầu tư. Tương tự, theo Bộ Tài chính, việc Bộ GTVT đề nghị cho phép ACV được sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài là chưa phù hợp với quy định về quản lý tài sản công và ngân sách Nhà nước, không có cơ sở để thực hiện. |
Ngân Tuyền (ANTĐ)