Hà Nội chuẩn bị xây dựng bến xe Yên Sở, giải pháp chống ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam
Dự kiến vào tháng 7 này, bến xe khách theo mô hình xã hội hóa, hiện đại đầu tiên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ khởi công.
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016, cửa ngõ phía Nam Hà Nội sẽ có 2 bến xe lớn là: Ngọc Hồi và Yên Sở, thay thế bến Giáp Bát và Nước Ngầm. Trong đó, Bến Xe Yên Sở được xác định là điểm nhấn góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong giai đoạn trung hạn, cần sớm hoàn thành.
Tại Đồ án Quy hoạch bến bãi đỗ xe do Sở GTVT Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng lập, đang được thẩm định, bến xe Yên Sở tiếp tục được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, với chức năng hỗ trợ, giảm tải cho 3 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm.
Phối cảnh bến xe Yên Sở sau khi hoàn thành
Bến xe Yên Sở nằm trên đường vành đai 3, thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 7 tới đây và hoàn thành sau khoảng 8 tháng thi công. Bến xe nằm trên tổng diện tích 2,8ha; công suất phục vụ trên 1.000 lượt xe/ngày đêm, do Công ty CP Bến xe Thanh Trì làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Chủ đầu tư sẽ thu phí xe ra vào bến, kinh doanh ăn uống, thương mại để hoàn vốn.
Ông Tô Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Thanh Trì thông tin, theo thiết kế được duyệt, bến xe Yên Sở sẽ có 4 tầng, (3 nổi, 1 hầm). Trong đó tầng hầm rộng khoảng 5.000m2 được dùng làm gara trông giữ xe cho hành khách. Trung tâm bến được thiết kế 1 tòa nhà hình tròn, gồm 3 tầng, diện tích 2.000m2. Trong đó, tầng 1 là nơi bán vé và showroom cho thuê, tầng 2 sẽ kinh doanh đồ ăn nhanh.
Đây sẽ là bến xe khách hiện đại nhất cả nước; khép kín từ khu vực đón khách, trả khách, xe xếp nốt chờ tài đến khu vực bán vé. Hành khách sẽ không đi lại, ra vào khu vực đỗ xe, sau khi mua vé ở tầng 1, hành khách sẽ vào phòng chờ, hoặc có thể tham quan, ăn uống, mua sắm. Khi đến giờ xe chạy, nhà xe sẽ xếp tại cửa chờ (45 cửa ra) để, hành khách lên xe nhằm hạn chế tình trạng cò mồi, chèo kéo khách.
Nút giao Pháp Vân- QL1 thường xuyên ùn tắc
Bến xe sẽ được trang bị wifi miễn phí, sạc pin điện thoại, điều hòa để phục vụ hành khách ngồi chờ đến giờ xe chạy. Khu vực trả khách sẽ được tách biệt, hành khách sau khi xuống xe sẽ đi dọc theo đường hầm, đến nơi lấy phương tiện gửi tại đây, hoặc theo đường hầm để đến khu vực đón xe buýt, đi về trung tâm thành phố.
Hầu hết các công đoạn tại bến xe sẽ tự động hóa, như kiểm soát xe ra vào bến bằng công nghệ, các bảng đèn led hiển thị thông tin về chuyến xe, giờ xuất bến, cửa đón khách, hay khu vực xe buýt, khu vực taxi…
Giảm tải nút giao Pháp Vân- quốc lộ 1
Trả lời về vấn đề kết nối bến xe với khu vực trung tâm thành phố, đại diện Chủ đầu tư cho hay, đơn vị đã làm việc với Sở GTVT và nhận được hỗ trợ, Sở GTVT sẽ bố trí nhiều tuyến buýt kết nối với khu vực trung tâm, với các bến xe khác. Đặc biệt, toàn bộ diện tích bến xe sẽ không có kios bán hàng, hay bán hàng rong để đảm bảo sự văn minh.
Liên quan đến nhiều thông tin cho rằng, bến xe Yên Sở nằm ngoài quy hoạch, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Dự án bến xe Yên Sở phù hợp với các quy hoạch chung - riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải của thành phố. Bộ GTVT cũng đã thẩm định kỹ và trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bến xe này”.
Mặt khác, hiện nay, tuyến đường Vành đai 3, đặc biệt là khu vực cửa ngõ phía Nam kết nối với các tuyến: cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; QL5… đang phải chịu áp lực giao thông rất lớn. Trong đó có phần áp lực từ các phương tiện xe khách liên tỉnh hoạt động tại các bến: Giáp Bát, Nước Ngầm. Nếu không có giải pháp kéo giãn mật độ xe khách ra khỏi tuyến Giải Phóng - QL1 thì các nút Pháp Vân - QL1; Pháp Vân - Hoàng Mai sẽ còn ùn tắc kéo dài. Bến xe Yên Sở được xây dựng với mục tiêu giải tỏa áp lực giao thông cho cữa ngõ phía Nam Thủ đô.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, Sở sẽ điều chỉnh khoảng 40 tuyến xe buýt kết nối đến bến xe Yên Sở, chưa kể các tuyến đi qua, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiếp cận của người dân.
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm đều đang nằm tại vị trí phía trước cửa ngõ Nam Hà Nội. Lượng xe khách từ các bến này dồn ứ trên đường Giải Phóng, Pháp Vân, Hoàng Mai… dẫn đến hạn chế khả năng lưu thông qua cửa ngõ.
Khi bến xe Yên Sở xây dựng xong, một lượng lớn xe khách liên tỉnh sẽ được đưa ra vị trí phía sau cửa ngõ, giảm thiểu áp lực từ hướng nội thành lưu thông ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Thanh Trì, QL5…
“Như vậy, sau khi đưa bến xe Yên Sở vào khai thác, điều chuyển hàng trăm lượt xe khách liên tỉnh về đây, nút thắt Pháp Vân sẽ được cởi bỏ phần lớn áp lực. Hiện tượng ùn tắc hướng nội thành ra cửa ngõ phía Nam vào các kỳ lễ, Tết sẽ được cải thiện về căn bản,” đại diện Sở GTVT cho hay.
Hải Dương (ANTĐ)