Thu hồi xe máy cũ nát: Cần nhưng vẫn thiếu hành lang pháp lý

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

Cục Đăng kiểm Việt Nam, UBND TP Hà Nội và TP. HCM đều đã từng đưa ra việc, cần có lộ trình và hành lang pháp lý để thải loại, thu hồi xe máy cũ nát, nhằm đảm bảo ATGT, giảm ô nhiễm môi trường.

Tháng 6-2017, Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm xây dựng và thực hiện lộ trình cụ thể để rà soát, thu hồi, thải loại xe máy cũ nát, nhằm đảm bảo ATGT và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy đến nay, các tỉnh, thành dù muốn vẫn chưa thể thực hiện. Xung quanh vấn đề này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT đã trao đổi với Báo An ninh Thủ đô.

-Theo ông vì sao phải thu hồi xe máy cũ, nát?

- Ông Đào Việt Long: Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe mô tô, xe máy. Đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của phần lớn người dân và có xu hướng gia tăng nhanh. Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí có nhiều xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông.

Thu hồi xe máy cũ nát: Cần nhưng vẫn thiếu hành lang pháp lý

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội

Do chưa được kiểm soát khí thải nên xe máy đang là một trong những nguồn phát thải chính, gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội. Bên cạnh đó, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra TNGT. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời của phương tiện. Đối với xe máy mới từ 1 - 5 năm, mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.

Nhiều nước trên thế giới đã triển khai kiểm tra khí thải với xe mô tô, xe gắn máy chạy trên 5 năm. Nếu vẫn đạt tiêu chuẩn, xe sẽ được dán tem kiểm định cho 2 năm, xe không đạt sẽ phải thay thế phụ tùng, sửa chữa, bảo dưỡng cho đảm bảo. Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn mức khí thải đã góp phần giảm thiểu và loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy cũ nát tham gia giao thông, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Thu hồi xe máy cũ nát: Cần nhưng vẫn thiếu hành lang pháp lý

Kiểm định khí thải để tiến tới thu hồi xe máy cũ, nát là cần thiết

Ngoài ra, nhiều thành phố trên thế giới còn coi việc thu phí phát thải ô nhiễm của phương tiện (trên cơ sở dán tem kiểm định) là công cụ kinh tế để hạn chế phương tiện cá nhân. Có thể khẳng định, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết và phải sớm quy định lộ trình thực hiện, đặc biệt đối  với Hà Nội.

-Hà Nội cũng đã đề xuất Chính phủ, các  bộ ngành về việc này từ năm 2017, vậy Hà Nội đã chuẩn bị cho việc này như thế nào?

-Tháng 7-2017, Sở GTVT Hà Nội đã trình và được HĐND TP phê duyệt “Đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong đó có một nội dung quan trọng là đề xuất Chính phủ quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố

Theo đó, Hà Nội đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách sâu rộng đến người dân. Đồng thời, thành phố cũng đã đề xuất Chính phủ chính sách cụ thể nhằm quản lý, thu hồi xe mô tô, xe gắn máy cũ, nát thông qua việc kiểm soát khí thải; không phân biệt biển số đăng ký để đảm bảo công bằng.

Việc kiểm soát được thực hiện đối với xe mô tô, xe gắn máy theo tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải ở nhiều mức độ như: Thu phí môi trường thông qua dán tem các mức xanh, vàng, đỏ; Thu hồi, kiên quyết loại bỏ xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, hoặc mức phát thải môi trường vượt quá ngưỡng cho phép, không có các biện pháp khắc phục.

-Vậy lộ trình thực hiện mà Hà Nội đưa ra là như thế nào, thưa ông?

-Lộ trình thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội hiện đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện. Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn trong việc đề xuất quy định này trong thời gian tiếp theo.

Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành. Có thể nói chúng ta vẫn chỉ đang “ngấp nghé” bên hành lang pháp lý mà thôi.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải xe mô tô, xe gắn máy, việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.

-Những khó khăn hiện nay để thực hiện ?

Nhằm có căn cứ xử lý các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo ATGT và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Trước mắt, Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo Bộ GTVT sớm ban hành các quy định về khí thải và kiểm định khí thải xe máy; có Thông tư hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.

Bộ Công an cần chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng CSGT và công an các địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về khí thải đối với xe máy khi tham gia giao thông. Bộ Tài chính nên sớm xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy định liên quan đến giá, lệ phí và nguồn kinh phí thực hiện kiểm tra khí thải xe mô tô. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để có thể mua lại phương tiện cũ không đảm bảo các điều kiện về quy định khí thải của người dân đang sử dụng để mưu sinh. Hoặc kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy để thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân…

Có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các Bộ, ngành và cả địa phương mới có thể sớm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh lộ trình rà soát, thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay