Cầu Bạch Đằng hơn 7.300 tỉ đồng nguy cơ trễ hẹn
Một trong những nhà đầu tư chính của dự án cầu Bạch Đằng bày tỏ lo ngại, cây cầu này khó thông xe vào 30-6 theo mong muốn của UBND tỉnh Quảng Ninh
Sau hơn 3 năm thi công, sáng 28-4 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hợp long Cầu Bạch Đằng. Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn 7.277 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh 488 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ).
Cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh với Hải Phòng, điểm đầu cầu kết nối với đường nối TP Hạ Long và điểm cuối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tại khu công nghiệp Đình Vũ.
Cầu Bạch Đằng vừa được hợp long vào cuối tháng 4
Khởi công từ tháng 1-2015, công trình dự kiến hoàn thành trước 30-6-2018. Khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi vào sử dụng, quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội được rút ngắn 50 km, xuống còn 130 km; từ Hạ Long đi Hải Phòng chỉ còn 25 km thay vì 75 km như hiện nay. Cũng bởi vậy, cầu Bạch Đằng đang được người dân kỳ vọng, sớm đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, mới đây, báo cáo tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (đơn vị sở hữu 16% tổng số vốn của Công ty CP BOT Bạch Đằng, đang tiếp tục nhận chuyển nhượng thêm 15% cổ phần từ Tập đoàn SE) thông tin, hiện 8 gói thầu chính thi công phần còn lại rất lớn.
Giá trị sản lượng còn lại tính từ ngày 6-4 để thực hiện các khối lượng này là hơn 500 tỉ đồng, kinh phí này chưa bao gồm khối lượng thực hiện dở dang, phát sinh trên công trường, khối lượng đã nghiệm thu thanh toán nhưng chưa được giải ngân.
Công tác huy động thiết bị, nhân lực, vật tư của một số nhà thầu thỉ công 8 gói thầu chính trên công trường không đảm bảo tiến độ đề ra, nguyên nhân chính do một số nhà thầu chưa được giải ngân, nguồn huy động tài chính một số nhà đầu tư, nhà thầu không đáp ứng.
Trong khi đó, nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư Cái Mép chưa cam kết được tiến độ hoàn thành các gói thầu do đơn vị đảm nhận, đồng thời cam kết nộp tiền bảo đảm doanh thu đợt 2. Từ tình hình thực tế trên, nhà đầu tư Trung Nam rất quan ngại, lo lắng và đánh giá khó hoàn thành thông xe toàn tuyến vào ngày 30-6-2018.
Theo đó, để duy trì được tiến độ này, Công ty Trung Nam đề nghị Bộ GTVT và tỉnh Quảng Ninh xem xét, chỉ đạo giải quyết vấn đề trọng tâm về các nhà đầu tư nộp đủ số tiền bảo đảm doanh thu đợt 2 là 135 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan sớm đàm phán ký phụ lục hợp đồng BOT. Trong đó cập nhật điều chỉnh lại: Tổng vốn đầu tư (bổ sung các hạng mục, chi phí phát sinh do điều chỉnh tiến độ), điều chỉnh chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng, lãi suất vốn vay trong thời gian khai thác, thời gian hoàn vốn, phương án tài chính.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà đầu tư, nhà thầu thi công các gói thầu chính huy động đủ vật tư, thiết bị, nhân lực đáp ứng đúng tiến độ hoàn thành thông xe toàn tuyến như cam kết. Đặc biệt các gói thầu do Công ty CP đầu tư Cái Mép đảm nhận.
Ngân Tuyền (ANTĐ)