Bị ô tô đâm, kéo lê hàng trăm mét: Làm sao để… sống sót?

| Thị trường
Xếp hạng 3.6 - 9 đánh giá

Câu hỏi mà độc giả đọc trên tít bài, xin nói ngay rằng người viết không có lời giải. Bởi có ai dám chắc chắn rằng có một cách nào đó để sống sót khi đang lưu thông bình thường trên đường, mà bỗng nhiên bị một chiếc ô tô đâm thẳng vào mình với tốc độ rợn người? Hay một kẻ không quen biết nhẫn tâm đâm, rồi kéo lê nạn nhân vài trăm mét? Nhưng không có câu trả lời, đồng nghĩa với việc chúng ta đang phó mặc mạng sống cho may rủi, mỗi khi bước chân ra đường…

Thứ tư, ngày 11-4-2018, tối.

Dư luận bàng hoàng trước thông tin về một vụ việc nghiêm trọng ở ngã 6 Ô Chợ Dừa (Hà Nội), khi một chiếc xe ô tô bán tải đâm một người đi xe máy, rồi kéo lê nạn nhân vài trăm mét trên đường bỏ chạy…

Chủ nhật, ngày 15-4, tức chỉ sau đó 4 ngày.

Một chiếc xe ô tô SUV bất ngờ tăng tốc kiểu “mất lái”, đâm mạnh vào chiếc ô tô trước mặt đang di chuyển chậm, ở trước cổng trên phố Phương Mai (Hà Nội). Chiếc ô tô bị đâm với lực quá mạnh, đã chồm lên phía trước, húc một loạt người và phương tiện ở khu vực vốn luôn đông đúc, rồi ép tất cả vào một chiếc ô tô khác đỗ ở lề đường. Nhiều người thương vong, các xe liên quan vỡ nát...

Cũng trong ngày Chủ nhật, chỉ cách hiện trường nói trên vài km, lại là một vụ tai nạn nghiêm trọng khác.

Tại phố Tây Sơn – đoạn gần Ngã Tư Sở (Hà Nội), một xe ô tô mất kiểm soát va chạm với 3 xe máy, khiến 2 người bị thương nặng phải đi cấp cứu…

Độc giả đang nghĩ gì khi đọc những dòng thông tin tổng hợp nhanh ở trên?

Bị ô tô đâm, kéo lê hàng trăm mét: Làm sao để… sống sót?

Khi một chiếc ô tô bỗng dưng "nổi điên", số phận những người xung quanh trở thành "ngàn cân treo sợi tóc"

Là PV bám sát 2 trong 3 vụ việc, tôi đã xem đi xem lại hàng chục lần các video quay lại cảnh tai nạn xảy ra. Và điều đó khiến tôi thấm thía điều mà một luật sư đã nói khi phân tích về vụ tai nạn ở ngã 6 Ô Chợ Dừa: Ô tô bị xem là “nguồn nguy hiểm cao độ” trong Bộ luật Dân sự, khi lưu thông trên đường.

Có người lái xe từng nói với tôi rằng, từ khi cầm vô-lăng ô tô, anh không còn dám đi xe máy nữa, vì… sợ. Anh bảo, đi ô tô là “sắt bọc xương thịt”, còn chạy xe máy khác gì “xương thịt bọc sắt”. Nếu điều không may xảy ra, ai sẽ là người có nhiều cơ hội sống sót và an toàn hơn? Câu hỏi này thì có lẽ ai cũng trả lời được!

Nhưng đáng buồn là tỉ lệ “xương thịt bọc sắt” ở nước ta vẫn đang chiếm phần áp đảo, vì điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng. Vậy là hằng ngày, chúng ta vẫn phải tham gia giao thông bên cạnh rất nhiều “nguồn nguy hiểm cao độ”, trong khi cảnh một chiếc xe ô tô lạng lách, vượt phải, chạy tốc độ cao qua ngã tư… không phải là điều hiếm gặp.

Xin đừng phản ứng một cách tiêu cực rằng xe máy cũng thường xuyên là nguồn gây ra lỗi, dẫn tới tai nạn. Bởi chúng ta đang bàn một câu chuyện từ thực tế, rằng trong tuần qua, đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như thế nào khi một chiếc xe ô tô “nổi điên”.

Vậy… làm sao để sống sót khi rơi vào hoàn cảnh đối mặt với một “chiếc ô tô điên”?

Xin thưa: Tất cả chỉ là may rủi, phụ thuộc vào số phận mà thôi!

Thật đáng ngại, khi phải đưa ra câu trả lời đầy nhu nhược và phó mặc như thế. Nhưng nếu ai có câu trả lời chuẩn xác hơn, xin hãy gửi ngay để tôi cập nhật.

Bây giờ là năm 2018, và chúng ta vẫn đang phải chấp nhận sự thật trên như một phần tất yếu của cuộc sống. Bởi bạn có thể làm gì hơn khi tham gia giao thông, trong điều kiện không có kinh tế dư dả?

Cái thực tế tưởng kỳ lạ “sống chết phó mặc may rủi khi ra đường” đó sẽ vẫn còn tiếp diễn, nếu như không có động thái quản lý và xử lý mạnh tay đối với những lái xe ô tô vô ý thức, điều khiển phương tiện trong tình trạng có hơi men, thiếu kiềm chế khi có va chạm trên đường.

Điều chúng ta mong muốn bây giờ là có một cơ chế thực sự hiệu quả như vậy, để hạn chế những lái xe không đủ điều kiện được cầm vô-lăng. Nếu không, câu hỏi “Ngày hôm nay, mấy giờ bạn về nhà?” sẽ luôn có lời đáp là… “Tùy số phận!”

Trung Hiếu (ANTĐ)

SourceXeHay