Khó... xử lý xe khách hợp đồng trá hình
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội than thở: "Việc xử lý các xe khách hợp đồng trá hình hiện nay vô cùng khó khăn. Nguyên nhân bởi sự lách luật của các nhà xe cũng như chế tài xử lý đối với loại hình vận tải này còn nhiều bất cập".
Nhiều khó khăn bủa vây
Theo khảo sát của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, hiện trên địa bàn thành phố có trên 21 văn phòng đại diện các doanh nghiệp vận tải hành khách có liên quan đến hoạt động của các xe hợp đồng, xe Limousine. Hiện lưu lượng phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định tại 5 bến xe trọng điểm hầu hết đều quá tải. Thời gian lưu bến của các xe khách ngày càng ngắn, chưa kể không phải hành khách nào cũng vào bến mua vé. Chính vì vậy, nhiều xe khách đã phải bò ra đường đón trả khách không đúng quy định. “Nhiều xe khách khi đến giờ xuất bến đã phải di chuyển khỏi bến, đến giờ quay lại vào bến đón khách gây phức tạp về TTATGT” - chỉ huy Phòng CSGT cho biết.
Nhiều xe khách hợp đồng lách luật gây khó khăn cho CSGT trong quá trình kiểm tra
Theo tìm hiểu của PV, hiện trên địa bàn TP đang xuất hiện 2 loại hình xe hợp đồng chở khách nhưng có phương thức hoạt động như xe khách chạy tuyến cố định. Loại xe từ 45 chỗ đến 54 chỗ và loại xe 16 chỗ được hoán cải thành xe 10 chỗ do Sở GTVT các tỉnh, thành phố cấp phù hiệu hợp đồng và giấy phép kinh doanh vận tải.
Các loại xe này thường đón trả khách tại những văn phòng đại diện trên địa bàn thành phố và di chuyển vào các tuyến phố để đón khách tận nhà, hoặc dùng xe trung chuyển khách đến các văn phòng đại diện. Để qua mặt lực lượng chức năng, các nhà xe cũng như hành khách thường điện thoại, đặt chỗ và hợp thức hóa hợp đồng đến hành khách.
Không ít hành khách vẫn còn có thói quen đứng ở đường vẫy xe khách mà không vào bến mua vé
“Các doanh nghiệp vận tải hành khách “lách luật” bằng cách thay vì bán vé cho hành khách, các nhà xe cấp cho khách phiếu thu hoặc phiếu theo dạng voucher du lịch, có đầy đủ hợp đồng và danh sách hành khách nên việc kiểm tra xử lý gặp nhiều khó khăn” - đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đánh giá.
Nhiều hành khách dù biết các phương tiện trên không phải là xe khách, vi phạm TTATGT nhưng vì nhiều lý do nên khi bị CSGT kiểm tra thường không hợp tác với lực lượng chức năng. Các văn phòng đại diện nhà xe đều có giấy phép hoạt động do Sở Kế hoạch và đầu cư cấp, giấy phép kinh doanh vận tải do Sở GTVT cấp. Một số văn phòng đại diện ở vị trí không có biển cấm dừng, đỗ hoặc trông các khu đô thị. Khi xe đến lấy cớ làm lịch trình, hợp đồng... nên đã dừng, đỗ ngang nhiên.
Giải quyết ngay những vướng mắc
Đại úy Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cho biết, qua nắm tình hình, nhiều nhà xe còn được cấp 2 phù hiệu cho 1 xe. Cụ thể, 1 phù hiệu chạy tuyến cố định, phù hiệu còn lại xe chạy hợp đồng để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông bổ sung: "Nhiều doanh nghiệp vận tải, lái xe khách thường thông tin móc nối với các lái "xe ôm, cò mồi..." theo dõi ngược lại CSGT, tìm hiểu vị trí, tuyến tuần tra kiểm soát để báo cho xe khách thay đổi lộ trình, tránh bị kiểm tra, xử phạt.
Thống kê của Đội CSGT số 6 cho thấy, trên địa bàn đơn vị quản lý có tới 14 văn phòng đại diện các nhà xe theo dạng trên. Những khó khăn của đơn vị cũng là khó khăn chung của các địa bàn khác. Trong vòng 3 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã kiểm tra xử lý hơn 800 trường hợp, trong đó 80% lỗi vi phạm là dừng, đỗ sai quy định.
CSGT đang tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các xe khách vi phạm
Còn thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội, trong quý 1-2018 vừa qua, các đơn vị thuộc phòng quản lý đã kiểm tra, xử lý hơn 2.300 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 6 phương tiện, hàng nghìn bộ giấy tờ xe vi phạm. Trong tổng số phương tiện vi phạm thì lỗi dừng, đỗ sai quy định vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất lên tới 1.628 trường hợp, trong khi đó lỗi đón, trả khách không đúng nơi quy định, CSGT chỉ xử phạt được 68 trường hợp...
Trong ngày 9-4, trả lời báo chí về những vi phạm của các xe khách, xe hợp đồng trá hình đang hoạt động hiện nay trên địa bàn thành phố, Đại tá Đào Vịnh Thắng không khỏi bức xúc trước những vi phạm này. Đề cập đến biện pháp giải quyết, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cho biết, đang tiếp tục triển khai hiệu quả Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội; bố trí đủ lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn giao thông tại 325 chốt giao thông trọng điểm chống ùn tắc trong giờ cao điểm. Phòng CSGT cũng bố trí tăng cường công tác tuần tra kiểm soát cơ động trên 65 tuyến với 205 ca 24/24h, tập trung xử lý các lỗi vi phạm.
Trưởng Phòng CSGT cũng cho biết, nghiêm cấm tất cả hành vi can thiệp vào việc xử lý của CSGT đối với vi phạm
Bên cạnh những biện pháp đang được đơn vị quyết liệt triển khai, Phòng CSGT cũng kiến nghị, đề xuất Công an các quận, huyện và thị xã tổ chức điều tra cơ bản thống kê các điểm “xe dù”, “bến cóc” đặc biệt là các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải có trụ sở trên địa bàn, để ký cam kết yêu cầu các văn phòng này thực hiện nghiêm quy định đảm bảo ATGT.
Phòng CSGT đang đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ việc cấp phù hiệu hợp đồng và giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp, không để các phương tiện, doanh nghiệp hợp thức hóa hợp đồng để hoạt động “trá hình”. Các đơn vị nghiên cứu đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống biển báo cấm dừng đỗ, biển hạn chế tốc độ tối thiếu đối với xe khách tại xung quanh các bến xe, các địa điểm thường xuyên diễn ra vi phạm.
“Chúng tôi nghiêm cấm CBCS, lãnh đạo phòng can thiệp vào việc xử lý vi phạm. Tất cả những trường hợp vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định” - Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh!
Nguyễn Xuân Quang (ANTĐ)