Nhiều ý kiến đồng thuận vị trí đặt ga điện ngầm C9 ở hồ Hoàn Kiếm
Sáng nay 9-3, Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội đã tổ chức trưng bày giới thiệu và lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - ga hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo.
Buổi trưng bày, giới thiệu thu hút được khá đông người dân quan tâm, từ người dân sở tại sinh sống trong khu vực đến người dân đến tham quan, du lịch. Đáng nói, đa phần ý kiến đóng góp đều bày tỏ ủng hộ vị trí đặt ga ngầm C9- ga hồ Hoàn Kiếm như phương án nêu ra. Đồng thời bày tỏ mong muốn dự án sớm được triển khai, hoàn thiện để đưa vào vận hành.
Ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864.645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm khoảng 10m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.
Cuộc triển lãm lấy ý kiến thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân
Ông Trần Văn Mai, nhà số 6, ngõ 1 A, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, Thanh Xuân bày tỏ quan điểm, ga C9 là ga quan trọng, nằm ngay sát hồ Hoàn Kiếm - nơi có rất nhiều di tích lịch sử nên cần tính toán thận trọng.
“Tôi thấy vị trí như vậy là phù hợp, không ảnh hưởng gì đến môi trường cũng như cảnh quan khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình thi công khó tránh khỏi việc ảnh hưởng đến người dân, nên đề nghị Ban Đường sắt hạn chế tối đa việc gây hưởng đến người dân sở tại và người tham gia Giao Thông”, ông Mai nói.
Cũng có mặt tại buổi trưng bày, giới thiệu từ rất sớm, GS sử học Lê Văn Lan bày tỏ: "Mọi thứ đã được tính toán cẩn thận, chu đáo, bây giờ đến lúc triển khai".
GS Sử học Lê Văn Lan cũng có mặt từ rất sớm và bày tỏ sự đồng thuận về vị trí ga C9
“Tôi đã đóng góp sự quan tâm bằng cả sự nhiệt thành của mình, tôi đã có ý kiến cụ thể. Tôi đã có những đóng góp cụ thể và giờ tôi yên tâm. Vì bây giờ sau những gợi ý, sau những lần đóng góp, thậm chí cả những kiến nghị, phản biện của tôi nữa, tất cả đã được tiếp thu”, GS Lê Văn Lan bày tỏ.
Dự án đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân
Bác Tạ Khắc Hải- 63 Đinh Tiên Hoàng, tổ dân phố 21 phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm cho biết, trước kia, người dân tổ dân phố 21 rất lo ngại về vấn đề di tích hồ Gươm, nhưng đến nay, qua dự thảo, kế hoạch và vị trí này tôi thấy rất hợp lý. Người dân chúng tôi rất ủng hộ và hài lòng về vị trí này.
"Dự án này cũng đã chậm rồi, tôi mong muốn làm sao khi dự án được phê duyệt thì cần đẩy nhanh tiến độ, tránh chậm trễ. Tôi rất mong các cấp, các ngành triển khai nhanh dự án để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khu vực cũng như người dân có nhu cầu tham quan khu vực phố cổ, hồ Gươm", bác Hải cho biết.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt Hà Nội thông tin, sau 3 tuần trưng bày lấy ý kiến người dân, Ban sẽ trình thành phố.
Về vị trí nhà ga C9- hồ Hoàn Kiếm, ông Hiếu cho hay, qua rất nhiều phương án cân nhắc và tính toán, tư vấn đã lựa chọn vị trí như hiện nay là tối ưu nhất, phù hợp với quy hoạch chung của đường sắt đô thị Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hơn nữa, trong quá trình thi công, việc đào ngầm sẽ được thực hiện bằng máy đào hầm TBM, không gây ảnh hưởng đến di tích hồ Gươm cũng như các công trình xung quanh. Sau khi hòa thiện, mặt bằng sẽ được hoàn trả như hiện tại.
Ngân Tuyền (ANTĐ)