Hành khách bị cấm bay vẫn bay sang Nga, trách nhiệm thuộc về ai?

| Thị trường
Xếp hạng 3.4 - 9 đánh giá

 Nhà chức trách hàng không khẳng định, đây là lần đầu tiên xảy ra việc, 1 hành khách bị cấm bay vẫn làm thủ tục tại sân bay Nội Bài đi Nga. 

Nói về sự việc hy hữu xảy ra đối với hành khách Phạm Thị Thu T. (SN 1982, ngụ TP Hải Dương) - người đã bị ra quyết định cấm bay có thời hạn 6 tháng, hiệu lực từ ngày 16-9-2017 đến hết ngày 15-3-2018 nhưng vẫn xuất cảnh trên chuyến bay SU 291 của hãng hàng không Aeroflot (Nga) từ Hà Nội đi Moscow, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này.

Theo ông Phương, để xảy ra sự việc này trách nhiệm chính thuộc về  các cơ quan thực hiện nhiệm vụ, trong đó có đơn vị kiểm soát an ninh của hãng bay, rồi đến an ninh sân bay.

Sau khi phát hiện ra vụ việc, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã rà soát và có quyết định xử phạt đối với an ninh sân bay. Cụ thể, nhân viên an ninh hàng không Đ.P.T và T.H.D.L xử phạt 4 triệu đồng/người. Nhân viên T.A.T. đại diện hãng hàng không Aeroflot cũng bị xử phạt 4 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm của cảng vụ trong tình huống này, ông Trần Hoài Phương lại cho rằng: “Người của cảng vụ chỉ có chức năng kiểm tra giám sát, một ngày cảng vụ chỉ có 1-2 người ở sân bay không thể bao quát hết”. Còn với  hành khách, xử lý thế nào thì chúng tôi sẽ báo cáo lên Cục Hàng không, có thể sau khi họ từ Nga về sẽ tiếp tục thực hiện lệnh cấm bay. 

Hành khách bị cấm bay vẫn bay sang Nga, trách nhiệm thuộc về ai?

Một trong những công đoạn kiểm tra an ninh tại sân bay

Còn ông, ông Tô Tử Hùng- , Cục Hàng không Việt Nam, cho biết: Hành khách Phạm Thu T. dù bị cấm bay nhưng không phải đối tượng tội phạm, khủng bố. Hành khách này bị phạt vi phạm hành chính vì đã có hành vi gây rối.

Theo quy định của hàng không quốc tế, hành khách gây rối nên bị từ chối vận chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên, hành khách T. lọt qua nhiều lớp kiểm tra là trường hợp hi hữu, lần đầu tiên được phát hiện. Vì vậy, Cục Hàng không đã giao Cảng vụ hàng không miền Bắc điều tra làm rõ xảy ra lỗi ở khâu nào để giải quyết gốc rễ vấn đề.

“Chưa rõ nguyên nhân cụ thể làm sao lọt. Hiện tượng ban đầu có thể chưa phát hiện được tên hành khách trùng với danh sách đen nên chưa đặt câu hỏi kiểm tra hành khách. Còn để kết luận do lơ là, yếu kém nghiệp vụ hay thông đồng thì còn phải chờ kết luận điều tra”, ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, sau khi có kết luận điều tra, liên quan đến cá nhân nào, trước tiên cơ quan chủ quản của cá nhân đó sẽ xử lý về kỷ luật lao động. Còn Cục Hàng không sẽ xử lý hành chính, xem xét những biện pháp bổ sung như đình chỉ giấy phép, thẻ hành nghề do Cục cấp. Nếu kết luận cho thấy có dấu hiệu hình sự, có hành vi tiếp tay thì sẽ chuyển giao cơ quan Công an xử lý. 

Theo quy trình giám sát "danh sách đen", trước hết, các hãng hàng không Việt Nam đều triển khai phần mềm kiểm tra danh sách đen trên hệ thống đặt chỗ để cảnh báo nhân viên sàng lọc, xác minh để có quyết định bán vé hay làm thủ tục chuyến bay với khách đó hay không.

Tiếp đó, an ninh hàng không kết hợp cả kiểm tra thủ công của con người và tra cứu bằng máy móc, biện pháp nghiệp vụ để xác định hành khách thuộc trong danh sách cấm bay hay không. Với các biện pháp trên, trước đó, chưa xảy ra trường hợp nhầm lẫn người không có tên trong danh sách cấm bay mà  bị cấm bay, không được bay vì trùng tên với người bị cấm bay,  hết hạn cấm bay mà bị cấm bay.

Tuy nhiên, do dữ liệu và sự kết nối thành hệ thống chung giữa các ngành trong nhận diện hành khách chưa được hoàn thiện nên vẫn có nguy cơ lọt hành khách trong danh sách cấm bay khi họ có sự thay đổi trong giấy tờ tùy thân. Bởi vì, ngành hàng không không phải là cơ quan cấp, thẩm định giấy tờ tùy thân nên không có cơ sở nào để ngăn họ đi máy bay.

Bên cạnh đó, nhân viên an ninh hàng không nếu không nhớ hết danh sách hành khách thuộc diện cấm bay để rà soát thì vẫn có thể xảy ra nguy bỏ lọt. 

Thủy Trúc (ANTĐ)

SourceXeHay