Lại thêm đại lý bán xe ô tô bị tố "ép" khách hàng dịp cận Tết
Khách hàng đổ xô mua xe “để đi trước Tết” khiến nhiều đại lý bán ô tô trở nên “kiêu” và áp đặt các mức phí bổ sung là thực trạng đang diễn ra phổ biến. Điều đó khiến không ít khách hàng cảm thấy ức chế, và quyết định hủy hợp đồng, rút tiền đặt cọc về. Báo ANTĐ tiếp tục phản ánh rõ hơn về thực trạng bất hợp lý này của thị trường ô tô trong nước.
Bị “cò quay” các gói phụ kiện bổ sung nếu muốn… được nhận xe
Chia sẻ với PV Báo ANTĐ, chị Lê T.U (SN 1983, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vào ngày 18-1, chị đã tới Công ty TNHH Ô tô Việt Anh (Yên Nghĩa, Hà Đông) để đặt mua chiếc xe nhập khẩu Suzuki Celerio, với giá 359 triệu đồng (đã tính VAT).
“Theo thỏa thuận ban đầu, tôi đặt cọc 5 triệu đồng, và sẽ được nhận xe đi trước tết. Số tiền mua xe là 359 triệu đồng, thêm một gói bảo hiểm thân vỏ và phụ kiện/dịch vụ (vè chắn mưa, dán kính, xăng đầy bình…) giá 10 triệu đồng, tổng cộng là 369 triệu đồng”, chị U. cho biết.
Tuy nhiên, vài ngày sau đó, chị U. nhận được tin báo từ phía nhân viên kinh doanh của công ty nói trên, trong đó cho biết “xe đã về và sẵn sàng giao cho khách”, song "quy định mới" là gói 10 triệu đồng của khách mua xe đã thay đổi, theo đó bắt buộc khách mua phụ kiện của công ty, chứ không bao gồm bảo hiểm thân vỏ. Khách hàng muốn mua bảo hiểm ở đâu thì tùy, tự bỏ thêm tiền.
Đoạn tin nhắn của nhân viên kinh doanh gửi khách hàng để "ép" mua gói phụ kiện
“Tôi cảm thấy rất ức chế và bức xúc, vì sự thay đổi bất nhất của phía đại lý kinh doanh. Do vậy, tôi đã phản ứng và yêu cầu họ xem xét. Sau đó, dù phía bán liên lạc với tôi để xin lỗi và cam kết giữ nguyên điều khoản như ban đầu, thì tôi vẫn quyết định không lấy xe ở đó nữa. Vì tôi quan niệm chiếc xe là phương tiện đồng hành cùng mình trên mọi nẻo đường, nếu ngay từ đầu gặp trục trặc thì sẽ không hay”, chị U. bày tỏ.
Theo nguồn tin riêng của PV Báo ANTĐ, tại công ty nói trên, một khách hàng khác muốn mua xe cũng nhận được thông báo về “quy định mới” như vậy, song sau các lần khiếu nại, người này đã yêu cầu phía bán tuân thủ thỏa thuận ban đầu.
PV Báo ANTĐ đã liên lạc với Công ty TNHH Ô tô Việt Anh để đề nghị ghi nhận phản hồi, song người tiếp nhận chỉ hẹn sẽ trao đổi lại sau.
Hiện nay, tình trạng khách hàng mua xe ô tô bị “cò quay” thêm các điều khoản mua phụ kiện/dịch vụ như chị U. khá phổ biến. Trước đó, Báo ANTĐ đã phản ánh về trường hợp tương tự, khi khách hàng bị yêu cầu phải chấp nhận mua gói phụ kiện bổ sung thì mới được nhận xe trước tết.
Câu chuyện cuối cùng là “đạo đức kinh doanh”
Người đại diện của một showroom kinh doanh ô tô từng cho PV Báo ANTĐ biết rằng, hiện nay, thị trường xe hơi trong nước đang có tình hình “ngược hoàn toàn so với mọi dự đoán trước đó”. Cụ thể là tình trạng cung đang không đáp ứng đủ cầu, vì các xe nhập khẩu bị “ách” để các nhà phân phối bổ sung đầy đủ giấy tờ, đáp ứng quy định mới trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP áp dụng cho ngành hàng ô tô, trong khi những dòng xe lắp ráp trong nước bị cho là “thiếu nguồn cung linh kiện”.
Ngày 24-1, PV Báo ANTĐ đã trao đổi với anh Nguyễn Mạnh Thắng – Quản trị viên Diễn đàn Otofun, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô tiêu dùng – để ghi nhận quan điểm về thực trạng mua bán xe hơi hiện nay.
Anh Thắng cho rằng, thực trạng đó đến từ cả 2 phía: Người tiêu dùng và đại lý bán xe.
“Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen khá lạ kỳ, là khi ‘vào mùa’ thì mới mua, thường là dịp sát tết để có xe đi trước tết, hoặc để chạy chính sách. Những lúc đó, các đại lý sẽ tha hồ tung hoành với những điều kiện khác nhau”, anh Thắng bày tỏ.
Quản trị viên Diễn đàn Otofun phân tích, các đại lý khó có thể nâng giá bán xe để kiếm thêm lợi nhuận, vì như vậy là vi phạm quy định với nhà sản xuất, nên họ sinh ra một giải pháp “biến tướng” là yêu cầu khách hàng phải mua gói dịch vụ/phụ kiện bổ sung thì mới được nhận xe.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (thứ 2, từ trái sang) cùng các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô
“Sẽ khó mặc cả với đại lý vì đây là sức ép trong cảnh cung ít hơn cầu. Thực chất của gói bổ sung đó là khách hàng phải trả thêm tiền để được nhận xe. Có trường hợp là chủ trương của đại lý bán, nhưng cũng có trường hợp là do đàm phán cá nhân của nhân viên kinh doanh, vì người này lỡ ôm hàng rồi nên ép khách phải mua phụ kiện thêm”, anh Thắng cho hay.
Do vậy, thực trạng nói trên, theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, cuối cùng chỉ là câu chuyện “đạo đức kinh doanh” của các đại lý bán xe, và người tiêu dùng nếu muốn trở thành “thượng đế” khi đi mua xe hơi thì nên chọn các thời điểm phù hợp, khi có nhiều khuyến mãi, không nên dồn vào những lúc cao điểm để bị “cò quay”, dồn ép.
“Dù nói gì thì nói, việc đại lý bán xe ép buộc người mua là điều không hay, nếu đại lý nào cũng như vậy thì thật… buồn cười. Do vậy, cần có sự điều chỉnh để thị trường lành mạnh, tích cực hơn”, anh Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Trung Hiếu (ANTĐ)