Nội thất, chất lượng phục vụ trên tàu Bắc - Nam tiêu chuẩn 5 sao có gì lạ?
Tổng công ty Đường sắt Hà Nội (VNR) vừa chính thức đưa đoàn tàu chất lượng cao, tiêu chuẩn 5 sao vào chạy tuyến đường sắt Bắc- Nam, đồng thời phục vụ suất ăn như hàng không trên tàu.
Đường sắt tiêu chuẩn tương đương hàng không
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, 6 đoàn tàu mới này là sản phẩm hợp nhất của 4 ngành cơ khí: Đường sắt, Hàng không, Công nghiệp tàu thủy và Công nghiệp ô tô.
6 đoàn tàu chất lượng 5 sao vừa được VNR đưa vào vận hành trên tuyến Thống Nhất
90 toa xe thuộc các đoàn tàu này được đóng bằng công nghệ và vật liệu cao cấp: Thành toa xe được làm bằng thép cường lực cao. Toa xe được chế tạo theo dạng module hóa. Toàn bộ các toa xe được lắp giá chuyển hướng lò xo không khí có khả năng chống rung lắc tốt.
Nội thất toa xe được làm bằng composite có độ bền cao, có khả năng chống cháy, chống bám bụi. Thành, vách, cửa sổ toa xe được đúc liền khối nên mở rộng lối hành lang đi lại của hành khách, tạo không gian bên trong toa xe rộng rãi, thông thoáng. Hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn led. Thành toa xe được phun sơn chống ồn. Sàn xe được dán lớp Tapi chống cháy, được nhập khẩu từ Pháp, có độ cách âm tốt.
Toa giường nằm trên đoàn tàu 5 sao
Các toa xe đã được thiết kế tận dụng các ưu việt hiện có của hàng không, hàng hải và đường bộ: hệ thống báo nhân viên khi hành khách có nhu cầu, màn hình hiển thị thông báo trạng thái, đoàn tầu, các ga kế tiếp, nhiệt độ và tốc độ chạy tàu…
Đặc biệt, trên các toa xe, hệ thống điều hòa không khí được vận hành êm, không lạnh cục bộ. Tại toa ghế ngồi, điều hòa được đưa tới từng vị trí để hành khách có thể tự điều chỉnh… Mỗi chi tiết, vật dụng và trang thiết bị trên tầu đều tính đến sự thoải mái tối đa cho hành khách.
Toa giường nằm trang bị đệm bông ép nhập khẩu. Mỗi vị trí hành khách được bố trí 1 đèn đọc sách, tích hợp sạc điện thoại bằng cổng USB.
Toa ghế ngồi có độ ngả phù hợp, có thể điều chỉnh thiết bị để chân phía trước. Hệ thống giá để hành lý rộng rãi. Tại mỗi ghế có ổ cắm để hành khách sạc điện thoại di động, máy tính, ipad... Đèn đọc sách, nút điều chỉnh không khí được thiết kế phía trên mỗi dãy ghế ngồi. Đặc biệt, trên các toa xe ghế ngồi được trang bị hệ thống 8 ti vi hiện đại để phục vụ nhu cầu giải trí của hành khách.
Đoàn tiếp viên trên tàu cũng được cải thiện
Buồng vệ sinh có điều hòa không khí, thiết bị vệ sinh tự hoại theo nguyên lý hoạt động của hệ thống Micropho của Mỹ, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Cùng với đưa toa xe đóng mới ra vận dụng, từ ngày 10-1, VNR phục vụ suất ăn hàng không miễn phí trên 6 đoàn tàu chất lượng cao này. Đây là một trong các dịch vụ mới mà đường sắt phối hợp với Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) thực hiện.
Để đảm bảo các suất ăn được sử dụng trong ngày, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bố trí cung cấp suất ăn cho các đoàn tàu tại 3 điểm: Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn. Thức ăn sẽ được làm nóng trước khi phục vụ hành khách.
Cần đến 1.700 tỷ đồng cải tạo đường ngang
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, đây được xem là một trong những nỗ lực của ngành đường sắt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kéo khách hàng về với đường sắt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc tàu 5 sao có đi đôi với việc cải thiện tốc độ chạy tàu, ông Hoạch cho rằng, việc này rất khó.
“Muốn cải thiện tốc độ chạy tàu phải nâng cao được kết cấu hạ tầng đường sắt. Và chi phí này rất lớn, khó có thể cải thiện trong một sớm một chiều. Đầu máy có thể vận hành với tốc độ lên tới 120km/h, nhưng hạ tầng không đáp ứng được”, ông Hoạch cho hay.
Thậm chí, tốc độ chạy tàu còn phân theo từng cung đoạn, cung đường nào hạ tầng tốt thì có thể chạy nhanh hơn, cung đường nào hạ tầng kém thì phải chạy tốc độ thấp hơn.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2018. Dự thảo đưa ra lộ trình đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở (đường ngang dân sinh) qua đường sắt đồng thời quy định chi tiết và phân rõ chịu trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý hàng nghìn điểm đen đường sắt.
Thủy Trúc (ANTĐ)