Hà Nội: Nhiều điểm trông giữ xe vắng khách sau khi tăng giá
Sau gần một tuần Hà Nội áp dụng quy định mới về phí trông giữ phương tiện, tại nhiều bãi xe trong nội thành, số lượng phương tiện giảm rõ rệt. Trong khi đó, số người lựa chọn gửi xe ở các điểm tư nhân, sử dụng taxi, Uber, Grab để đi lại có xu hướng tăng.
Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu
Có mặt tại một điểm trông giữ xe ô tô trên phố Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do Công ty TNHH một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý vào đầu giờ sáng 5-1, chúng tôi khá ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng vắng vẻ tại khu vực này. Trên đoạn vỉa hè khá rộng chỉ có khoảng chục chiếc xe ô tô đỗ, phần lớn diện tích còn lại đang để trống. Trong khi đó, tại điểm trông giữ xe của tư nhân ở phía bên kia đường, số lượng xe ô tô ra vào tấp nập, trong bãi gần như không còn chỗ trống.
Bãi trông giữ xe trên đường Trần Quang Khải vắng khách
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến cảnh tượng đối lập này, một nhân viên trông giữ xe tại đây cho biết, trước đây, phí gửi xe ô tô tại bãi từ 8h-18h chiều là 1,2 triệu đồng/tháng/xe, gửi ngày đêm là 1,5 triệu đồng/tháng/xe, phí trông giữ theo giờ là 30.000 đồng/2 tiếng. Còn theo quy định mới, phí gửi xe ô tô ngày là 2 triệu đồng/tháng/xe, ngày đêm là 3,2 triệu đồng/tháng/xe, phí trông giữ theo giờ là 50.000 đồng/2 tiếng/xe, giờ thứ 3 và thứ 4 thu 35.000 đồng, từ giờ thứ 5 trở đi mỗi giờ thu 45.000 đồng.
Điểm trông giữ xe của người dân bên kia đường Trần Quang Khải khá tấp nập
Như vậy, so với quy định cũ, mức phí trông giữ cao hơn từ 2-3 lần. Do đó, một số người đã chuyển hướng đi làm bằng taxi, xe máy, một số khác thì chuyển sang gửi tại các điểm trông giữ xe tư nhân ở khu vực gần đó, số còn lại buộc phải tiếp tục gửi do chưa tìm được điểm trông giữ mới.
Cảnh vắng vẻ tại điểm trông giữ xe trên phố Lý Thái Tổ
Cũng theo nhân viên này, do số lượng người gửi phương tiện giảm mạnh nên có ngày nhân viên gần như ngồi không. Tại các điểm trông giữ xe của tư nhân do mức phí trông giữ tuy tăng (khoảng 1,7 triệu đồng/tháng/xe) nhưng không đáng kể, nên dù độ an toàn không cao, cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng người dân vẫn chấp nhận.
Rời điểm trông giữ xe này, chúng tôi dạo một vòng qua các điểm trông giữ xe khác trên một số tuyến phố như Lý Thái Tổ, Đinh Lễ... và nhận thấy lượng phương tiện tại các điểm này cũng giảm khá mạnh.
Uber, Grab đắt khách
Chị Lê Ngọc Khánh – nhân viên văn phòng, người thường xuyên gửi ô tô tại phố Đinh Lễ cho biết, từ khi phí trông giữ tăng cao chị đành để ô tô ở nhà, đi làm bằng xe máy. Nếu như trước đây, bãi giữ xe trên tuyến phố này luôn kín chỗ thì nay chỉ còn một số phương tiện gửi xe theo tháng, số ít xe gửi theo giờ thường đi rất nhanh.
Phố Đinh Lễ trước kia xe ô tô thường xuyên kín đặc nay còn khá nhiều chỗ trống
“Rõ ràng quy định mới của Thành phố đã có tác động tích cực trong việc hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân trong nội đô, giúp cho các tuyến phố thông thoáng hơn. Tuy vậy, trong thời gian đầu triển khai thực hiện đã gây khó khăn không nhỏ cho các chủ phương tiện, ảnh hưởng tới nguồn thu của những điểm trông giữ xe đã được cấp phép” – chị Khánh chia sẻ.
Với những người có đặc thù công việc phải sử dụng ôtô đi lại nhiều, ước tính mỗi ngày nếu gửi xe từ 7-8 tiếng, họ phải bỏ ra từ 200-300.000 đồng/ngày cho việc trông giữ xe. Do vậy, nhiều chủ xe đã sử dụng taxi công nghệ như Grab và Uber làm phương tiện đi lại để giảm chi phí bãi đỗ, xăng xe.
Anh Vũ Hoàng Long, chủ một doanh nghiệp lữ hành ở quận Ba Đình chia sẻ, từ khi phí trông giữ xe tăng cao, anh chuyển sang đi Grab. “Đi taxi công nghệ, phí tuy không rẻ nhưng được khuyến mại thường xuyên lại không phải lo lái xe, lo phí gửi xe nên tôi thấy tiện lợi hơn hẳn. Song điều khiến tôi băn khoăn là quy định tăng phí trông giữ xe có thể khiến lượng phương tiện cá nhân giảm song số xe Grab, Ubeb lại tăng nhanh do nhu cầu đi lại của người dân tăng. Như vậy, bài toán về ùn tắc giao thông liệu có được giải quyết thỏa đáng?” – anh Long đặt câu hỏi.
Bảng giá mới tại các điểm trông giữ phương tiện
Cũng theo anh Long, một vấn đề nữa được đặt ra là, việc tăng phí trông giữ phương tiện đã khiến một lượng xe không nhỏ di chuyển từ những điểm trông giữ xe đã được cấp phép của doanh nghiệp Nhà nước sang các điểm trông giữ tự phát của tư nhân với mức phí thấp hơn hẳn. Tuy vậy, tại các bãi xe này, do chi phí đầu tư thấp, hầu hết là các bãi tạm nên nguy cơ xảy ra rủi ro đối với phương tiện của người gửi khá lớn.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, hiện nay tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố là 91,1 ha, chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe. Do vậy, để giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông, bên cạnh biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm trông giữ xe không phép, đồng thời đầu tư xây dựng thêm các điểm đỗ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Huệ Linh (ANTĐ)