Vé xe Tết đầu Sài Gòn tăng mạnh, Bộ Giao thông yêu cầu giữ nguyên
Diễn biến vé xe dịp Tết Nguyên đán 2018 tại hai đầu Bắc- Nam đang có diễn biến trái chiều. Trong khi các bến xe ở Hà Nội yêu cầu nhà xe không tăng giá vé và xử lý nghiêm thì tại TP.HCM, mức tăng phụ thu có thể lên tới 60%.
Hà Nội yêu cầu không tăng Vé Xe Tết
Dịp cuối năm, những người đi làm ăn xa lại canh cánh nỗi lo vé tàu xe Tết. Trong khi vé tàu Tết được mở bán từ rất sớm, cũng khó khăn cho người đi làm, bởi chưa có lịch nghỉ Tết Âm lịch nên chưa thể sắp xếp được lịch để về quê, đặt mua vé tàu. Hơn nữa, vé tàu so với vé ô tô khách cũng đắt hơn. Để tiết kiệm, hàng triệu công nhân, người lao động xa quê đành phải tìm đến ô tô khách để về quê dù có vất vả hơn, đồng thời chấp nhận đối mặt với tình trạng nhồi nhét.
Tuy vậy, tin khá vui cho người dân ở Hà Nội là Công ty CP Bến xe Hà Nội đã yêu cầu các nhà xe không được tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán 2018, nhằm hỗ trợ người dân đi lại dịp này. Nếu nhà xe nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Bộ GTVT yêu cầu không tăng giá vé xe khách dịp Tết Nguyên đán 2018
Đến thời điểm hiện tại, các bến xe như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm đều cho biết, không có nhà xe nào có ý định tăng phụ thu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát thông tin, lãnh đạo bến đề nghị các nhà xe không tăng giá trong dịp Tết sắp tới. Hiện tại, bến chưa nhận được kiến nghị của doanh nghiệp nào về việc tăng giá xe.
“Mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp vận tải hoạt động ở bến đều không tăng giá vé cao hơn ngày thường. Chỉ có hành khách ra đường bắt xe mới bị tăng giá vé, còn ở bến quản rất chặt, doanh nghiệp nào tự ý tăng giá vé sẽ bị xử lý ngay”, ông Thành nói và cho biết, bến Giáp Bát sẽ từ chối tiếp nhận các doanh nghiệp, nhà xe, chủ xe, những trường hợp chở quá tải, ép khách, nâng giá vé sai quy định tại bến.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã yêu cầu Tổng công ty Vận tải Hà Nội nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường xe đáp ứng nhu cầu trong đợt cao điểm. Đặc biệt, cần ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép, hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách tại các bến trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán...
“Hà Nội từ trước đến nay luôn kêu gọi các doanh nghiệp trong dịp lễ, Tết bình ổn giá, không tăng. Thường các doanh nghiệp đều giữ nguyên mức giá. Các nhà xe tự ý tăng giá vé, Sở sẽ yêu cầu lực lượng thanh tra vào cuộc xử lý ngay”, ông Viện khẳng định.
Sài Gòn tăng đến 60%
Trong khi đó, tại bến xe Miền Đông, dự báo lượng hành khách thông qua trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 có thể tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Cũng như mọi năm, lượng khách đi lại nhiều chủ yếu trên các tuyến Tây Nguyên, Nam Trung bộ.
Ông Kiều Nam Thành, Giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, TP.HCM đi các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum; các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận áp dụng mức phụ thu từ 20-60% tùy theo từng thời điểm. Còn các tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai phụ thu không quá 40% so với ngày thường.
Còn đại diện bến xe Miền Tây (TP.HCM) thông tin, về mức phụ thu giá vé chiều xe chạy rỗng trong dịp Tết Mậu Tuất năm 2018, các đơn vị vận tải kê khai mức phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường. Riêng tuyến đường có cự ly trên 400km phụ thu không quá 60%.
Bộ Giao Thông yêu cầu giữ nguyên giá cước!
Tuy vậy, tại cuộc họp tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết 2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị trong ngành nâng cao trách nhiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, không được chủ quan, lơ là trong đảm bảo ATGT và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Trong đó, các đơn vị đặc biệt chú ý không được tự ý tăng giá vé ở tất cả các lĩnh vực của ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải bình ổn giá, tất cả các lĩnh vực phải ổn định giá vé, không để xảy ra tình trạng tự ý tăng giá vé trong dịp Tết, giá vé phải được niêm yết công khai, ngăn chặn tình trạng “cò vé” và cần có giải pháp lồng ghép chống gian lận.
Ngoài ra, lĩnh vực đường bộ phải có phương án chống ùn tắc giao thông tại các trạm thu giá BOT. Các đơn vị chức năng cần phối hợp với địa phương, nhà đầu tư đưa ra các phương án, tình huống xử lý cụ thể.
Thủy Trúc (ANTĐ)