Trường Hải khánh thành nhà máy Bus công suất 20.000 xe/năm

| Thị trường
Xếp hạng 4.3 - 9 đánh giá

Sáng 8/12, tại khu liên hợp ô tô Chu Lai Trường Hải (Quảng Nam), THACO - Trường Hải đã tổ chức Lễ khánh thành nhà máy Bus Thaco với công suất thiết kế 20.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO cho biết, từ năm 2005, THACO đã nghiên cứu và sản xuất lắp ráp trong cùng sản xuất xe tải trên quan điểm quản trị “kết hợp tạo lợi thế, chuyên biệt để hiệu quả” nhằm đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu công nghệ sản xuất xe bus cho riêng mình.

Bước đầu được thị trường chấp nhận trong đó có nhiều khách hàng là những công ty vận tải hành khách lớn ở khắp các tỉnh thành trên cả nước…

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, Thaco khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chuyên biệt sản xuất xe bus tháng 6/2011. Đây là nhà máy sản xuất xe bus đầu tiên tại Việt Nam.

Hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014; và thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập Asean vào năm 2018, đồng thời đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ năm 2016, THACO đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng mới các nhà máy sản suất lắp ráp ô tô: xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% nhằm đảm bảo vị trí đứng đầu tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang các nước Asean.

Trong đó có nhà máy Bus Thaco là nhà máy có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á với định vị: Công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường.

Trường Hải khánh thành nhà máy Bus công suất 20.000 xe/năm

Nhà máy Bus Thaco có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng

Nhà máy Bus Thaco được khởi công xây dựng vào tháng 9/2016, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; công suất thiết kế 20.000 xe/năm (bao gồm: 8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus); trên diện tích 17 ha trong đó diện tích nhà xưởng 8 ha được trang bị hệ thống xử lý nước thải được thiết kế với công suất 20 m3/h, tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/ BTNMT).

Dây chuyền lắp ráp hoàn thiện với hệ thống vận hành tự động và cấp phát vật tư bằng các “robot tự hành”. Đặc biệt đường thử xe với chiều dài 2,4 km mô phỏng đầy đủ các địa hình như thực tế bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra chất lượng của xe trước khi xuất xưởng.

Nhà máy đã được Bộ Công Thương chứng nhận đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô theo nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành.

Cũng tại buổi lễ, THACO đã ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang các nước: Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe và trong năm 2018 ít nhất là 550 xe.

Sự kiện này là minh chứng về thành quả của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo đó, dù thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ, nhưng với chính sách đúng đắn của Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp thì chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được ở thị trường khu vực và trong bối cảnh hội nhập.

Vũ Anh (ANTĐ)

SourceXeHay