Tắc đường, kẹt xe: Khởi nguồn của ý tưởng khởi nghiệp táo bạo

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Là người tiên phong phát triển ứng dụng đi chung xe tại Việt Nam, anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Đi chung đã gặt hái được nhiều thành công. Ứng dụng này hiện phục vụ khoảng 600 khách hàng mỗi ngày.

cho tắc đường

Đi chung xe là giải pháp đi lại đã được áp dụng từ lâu trên thế giới, phát triển mạnh ở khu vực châu Âu. Đi chung xe có 3 lợi ích chính là giảm lưu lượng xe tham gia , tiết kiệm chi phí đi lại cho khách hàng và giảm khí CO2 thải ra cho môi trường.

Ở Việt Nam, dịch vụ đi chung xe bắt đầu từ năm 2013 với “phát súng” tiên phong là dichung.vn. Anh Nam cho hay: “Trên những chuyến xe về thăm nhà ở Hải Phòng, tôi thấy rất nhiều xe chỉ chở một hai người. Trong khi đó, nhiều người phải đi lại bằng xe khác khá chật chội và khó chịu. Từ đó, tôi chợt nghĩ ra ý tưởng thành lập một website để mọi người chia sẻ chỗ trống trên phương tiện cá nhân. Đi chung sẽ giúp cho mọi người đi lại được thuận tiện. Người đi thì thoải mái, chủ phương tiện lại tiết kiệm chi phí xăng xe”.

Tắc đường, kẹt xe: Khởi nguồn của ý tưởng khởi nghiệp táo bạo

Tắc đường, : Khởi nguồn của ý tưởng khởi nghiệp táo bạo

Theo đó, “Đi chung” tập trung phát triển các giải pháp và dịch vụ đi chung xe khác nhau trên nền tảng trực tuyến và di động. Mô hình hoạt động của “Đi chung” là kết hợp với các hãng vận chuyển có giấy phép chứ không phải là các tài xế cá nhân như Uber, Grab.

Theo anh Nam, trang web dichung.vn là nơi mọi người chia sẻ hoặc mua bán những chỗ còn trống trên xe. Những người tham gia giao thông có chung điểm đi, điểm đến, thời gian giống hoặc gần giống nhau có thể đi chung với nhau bằng cách chia sẻ những chỗ còn trống đó.

“Đi chung” là một trong 19 dự án xuất sắc trong cuộc thi Khởi nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án được đánh giá cao bởi những giá trị mang lại cho cộng đồng và môi trường.

Anh Nam nhận thấy, ở các nước khác, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển nên họ không cần đi chung. Ở Việt Nam, người đi phương tiện cá nhân rất nhiều. Ví như, tại Hà Nội đang có khoảng 6,2 triệu phương tiện hoạt động trên tổng số khoảng 10 triệu dân và khách vãng lai. Với số lượng phương tiện lớn và hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, để giải quyết vấn đề giảm phương tiện giao thông và khai thác tối ưu các phương tiện đó chắc chắn phải dùng giải pháp công nghệ thông tin. Giải pháp đi chung xe thành công sẽ giải quyết được tắc đường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng như xe bus, tàu hỏa, xe khách... khá rẻ song lại tạo cảm giác không thoải mái cho hành khách. Ngược lại, những phương tiện cá nhân tạo cảm giác thoải mái cho hành khách nhưng chi phí lại đắt đỏ. Vì vậy, hình thức đi chung xe mang tính chất trung gian nhưng tạo cảm giác thoải mái, tiết kiệm chi phí đi lại. Ngoài ra, việc đi chung xe cũng tạo cơ hội giao lưu, gắn kết với nhau.

Phân tích tiềm năng thị trường, anh Nam cho rằng: “Hiện mỗi ngày có hàng ngàn người đi lại sân bay, di chuyển giữa các tỉnh và hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Đây là thị trường tiềm năng mà dịch vụ đi chung xe có thể khai thác. Hiện tại, đi chung xe chủ yếu cung cấp dịch vụ đi lại đường dài như sân bay, về quê, đi du lịch. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp đi chung xe cho quãng đường ngắn hơn như đi học, đi làm... Đến nay, dịch vụ này đã phủ sóng tại 20 sân bay và 40 thành phố trên toàn quốc, phục vụ 600 khách hàng/ngày”.

Tìm lối đi riêng

Là người đi tiên phong nên anh Nam phải vượt qua nhiều rào cản để định hướng thị trường. “Khi đưa sản phẩm vào thị trường, mọi người chưa biết đến dịch vụ này. Vì vậy, chúng tôi phải tạo ra một thói quen tiêu dùng mới cho khách hàng, trong khi nguồn lực của một doanh nghiệp khởi nghiệp có hạn. Đó là một thách thức rất lớn. Năm đầu tiên, chúng tôi rất khó khăn khi tiếp cận thị trường”.

Tắc đường, kẹt xe: Khởi nguồn của ý tưởng khởi nghiệp táo bạo

Anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Đi chung

Một khó khăn khác đó là văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung còn e ngại chia sẻ phương tiện với người lạ. Các giải pháp đi chung xe hầu như không phát triển mạnh ở châu Á, kể cả tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Vì vậy, anh Nam phải tìm nhiều cách cung cấp các tiện ích để mọi người kiểm chứng về mức độ uy tín của những người cùng đi. Để cả hai bên tin tưởng, anh Nam đã xây dựng hệ thống xác thực như: Chứng minh nhân dân, tài khoản mạng xã hội, đánh giá lẫn nhau giữa những người cùng chuyến đi.

Anh Nam nhận định: “Trở ngại lớn nhất là sự sẵn có của dịch vụ, tức là khi khách cần đi thì đáp ứng được ngay. Chúng tôi giải quyết trở ngại này bằng cách chia nhỏ thị trường thành nhiều nhu cầu khác nhau. Chúng tôi chọn thị trường dễ làm nhất là sân bay. Vì xác xuất ghép khách đi sân bay rất cao nên ban đầu đi chung chỉ tập trung vào thị trường đó. Tôi nghĩ rằng, khi nguồn lực có hạn, chưa thể phủ rộng thì mình phải chọn ngách đi để tồn tại. Khi thị trường nhỏ thành công chúng tôi mới mở rộng thị trường và các dịch vụ khác”.

Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự phát triển dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do ngân sách eo hẹp, nên việc tìm kiếm và duy trì được nhân sự tham gia một dự án mang tính chất cộng đồng như vậy không hề đơn giản.

Sau 4 năm phát triển dự án, anh Nam đúc kết rằng: “Mọi dự án phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, vấn đề xã hội cần giải quyết. Bên cạnh đó, chúng ta cần đánh giá khả năng chi trả của thị trường. Khách hàng thường quan tâm đến giá cả, chất lượng và sự tiện lợi. Vì vậy, phải cân bằng được ba yếu tố đó, tức là giải quyết được vấn đề thị trường nhưng sản phẩm, dịch vụ phải thuận tiện, rẻ và chất lượng để khách hàng có thể tiếp cận. Dần dần, các bạn sẽ định hướng được thị trường và có được một tập khách hàng của riêng mình”.

Anh Nam khuyên rằng: “Nếu làm việc khó, việc mới chưa ai làm, là người tiên phong đi đầu thì sản phẩm của bạn phải đủ thú vị. Có như vậy, bạn mới nhận được sự hỗ trợ của người khác. Từ đó, chi phí khởi nghiệp của bạn thấp đi. Ngược lại, nếu khởi nghiệp bằng những lĩnh vực, dịch vụ đã có thì phải cạnh tranh khốc liệt với toàn thị trường. Tuy nhiên, các bạn không nên chọn những việc quá khó khăn”.

Diệu Linh (Tuoitrethudo)

SourceXeHay