Thành phố không còi xe và đèn giao thông
Khi nhà chức trách Kathmandu, Nepal đề ra lệnh cấm còi xe vào tháng 4-2017, nhiều người dự đoán rằng quy định sẽ bị phớt lờ nhưng sau 6 tháng, những con phố ở đây bình yên đến kinh ngạc tại một thành phố không có đèn giao thông.
Các lái xe ở Kathmandu đã thay đổi thói quen sau khi có lệnh Cấm Bấm Còi 6 tháng trước
Ở một thành phố còi xe từng được sử dụng rộng rãi thay thế phanh xe, các lái xe của Kathmandu dường như đã quên thói quen ồn ào đó vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Thay đổi trong ý thức và hành vi
Kedar Nath Sharma, cán bộ một quận ở Kathmandu cho biết: “Trước đây, chúng tôi nhận được rất nhiều phàn nàn về ô nhiễm tiếng ồn. Mọi người đều cảm thấy rằng điều đó đã quá sức chịu đựng trong những năm gần đây”. Còn ông Surya Raj Acharya, một nhà khoa học về đô thị nhận định, việc bấm còi không phải là một thói quen ăn sâu bám rễ. “Người ta chỉ bấm vòi vì đơn giản là bấm. 80% số lần bấm là không cần thiết. Phần lớn là chỉ để giải tỏa sự thiếu kiên nhẫn của họ”, ông Surya Raj Acharya nói.
“Bấm còi là một biểu hiện của sự thiếu văn minh. Chúng tôi muốn cho thấy thế giới thấy người Kathmandu văn minh như thế nào”. Ông Mingmar Lama (Người đứng đầu lực lượng Cảnh sát giao thông Kathmandu)
Tuy nhiên, những thay đổi trông thấy kể từ khi Kathmandu áp dụng quy định không bấm còi xe từ đầu năm mới (lịch Nepal). Mọi người hồ hởi nói về điều này ở khắp các quán trà trên phố. Ông Sharma cho rằng, thành công của chính sách này là sự tham khảo ý kiến của tất cả các bên liên quan, một chiến dịch truyền thông rộng khắp và linh hoạt trong thực hiện. Quan trọng là “không cần phải chi tiêu hay đầu tư, chỉ cần có sự thay đổi trong ý thức và hành vi”, ông Sharma nói thêm.
Lệnh cấm còi được đưa ra sau các sáng kiến khác nhằm cải thiện hành vi của người lái xe, bao gồm việc xử phạt nặng lái xe uống rượu và thực hiện nghiêm Luật Giao Thông. “Công chúng thật sự tin tưởng vào những người thực thi pháp luật như chúng tôi. Họ ủng hộ cải tiến vì tin rằng thay đổi này là vì lợi ích chung”, Sarbendra Khanal, người đứng đầu ngành Cảnh sát giao thông Kathmandu cho biết. Lệnh cấm này hiện đang được nhân rộng ra các vùng khác của đất nước này, bao gồm điểm nóng về du lịch Pokhara.
Khó khăn khi thực hiện chính sách mới
Bên cạnh việc thay đổi ý thức của người lái xe, trong quá trình áp dụng lệnh cấm này, lực lượng cảnh sát giao thông Kathmandu cũng đã phạt 11.000 trường hợp. Với mức phạt 500 rupee (khoảng 5 USD), số tiền đó tương đương 1/3 thu nhập mà lái xe taxi ở đây kiếm được trong một ngày.
Với lái xe taxi Krishna Gopal Maharjan, đôi khi bấm còi là chuyện khó tránh khỏi: “Thỉnh thoảng lại có chó, bò hay máy kéo sang đường, chúng tôi không thể không sử dụng còi”. Đó là chưa kể lái xe ở Kathmandu luôn chịu cảnh ùn tắc giao thông, đường phố cứ lấp xuống rồi lại đào lên, xe buýt và xe tải thải ra khói đen ngòm trong khi cảnh sát giao thông giữa làn khói bụi cố gắng giữ trật tự ở một thành phố không có lấy một cột đèn giao thông.
Tuy nhiên, không phải sáng kiến nào cũng thành công như lệnh cấm còi nói trên. Ví như để giảm tình trạng ô nhiễm, chính quyền Nepal đã cấm các phương tiện có thời hạn lưu hành trên 20 năm nhưng chính sách này đã bị phản ứng mạnh. Nhiều người kiếm sống bằng chiếc xe của họ nên các hiệp hội đưa ra điều kiện chỉ bỏ xe cũ nếu chính phủ trả tiền cho họ.
Tương tự, cảnh sát giao thông đề ra quy định phạt người đi bộ sang đường không đúng phần đường quy định. Ban đầu hàng nghìn người bị phạt mỗi ngày nhưng về sau nhiều người không nộp phạt, thậm chí cố tình vi phạm. Nguyên nhân được chuyên gia về đô thị Surya Raj Acharya chỉ ra: “Với nền kinh tế đang phát triển và người dân còn nghèo, các quy định sẽ khó hiệu quả nếu đặt gánh nặng tài chính lên người dân”.
Yên Vũ (ANTĐ)