Dịch vụ trông giữ xe iParking: Vì sao khách hàng phải trả tiền mặt?

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

Theo phản ánh của người dân, trong những lần sử dụng dịch vụ iParking gần đây, nhân viên trông giữ thường thu tiền mặt mà không hướng dẫn khách nhắn tin thanh toán phí dịch vụ. Nhân viên các điểm iParking còn thu 30.000 đồng/xe khi đỗ chưa đến 1 giờ trong khi giá thanh toán qua điện thoại trước đây là 15.000 đồng/xe/60 phút...

Dịch vụ trông giữ xe iParking: Vì sao khách hàng phải trả tiền mặt?

Dịch vụ đang được người dân đánh giá cao bởi tính tiện lợi

Ngày 9-7, theo ghi nhận của phóng viên, tại ở các điểm đỗ xe iParking trên phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, các nhân viên trông giữ xe đều thu tiền vé 30.000 đồng cho một lượt đỗ xe ô tô. Khi chúng tôi thắc mắc về việc không thanh toán được bằng tin nhắn, các nhân viên trả lời rằng đã tạm dừng đầu số, sắp thay đầu số mới. Về việc đỗ xe chưa đến một giờ mà khách phải đóng tiền gấp đôi mức quy định trên chính biển quảng cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, nhân viên trông giữ đều trả lời đây là theo quy định của thành phố...

Về việc khách không thể nhắn tin thanh toán, theo tìm hiểu của phóng viên Báo ANTĐ, ngày 18-8, Công ty CP đầu tư CIS (đơn vị thiết kế, quản lý phần mềm iParking) đã có văn bản gửi Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội về việc tạm ngưng cung cấp hình thức thanh toán dịch vụ iParking qua đầu số 9029 do không đủ điều kiện pháp lý.

Theo đó, do Công ty Khai thác điểm đỗ chưa ký kết phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ, đơn vị đối tác không có cơ sở để duy trì đầu số, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ... Vì vậy, Công ty CP đầu tư CIS  đề nghị tạm ngưng hình thức thanh toán bằng tin nhắn qua đầu số từ ngày 19-8 và công ty này cũng đề nghị Công ty Khai thác điểm đỗ quán triệt nhân viên hướng dẫn khách hàng đỗ xe cài đặt phần mềm iParking và sử dụng hình thức thanh toán qua ứng dụng (bằng thẻ tín dụng)...

Sở dĩ có vướng mắc trong việc tạm ngưng đầu số 9029 (do Viettel cung cấp) để nhắn tin thanh toán dịch vụ iParking là do trong thời gian thử nghiệm, Viettel tính phí mỗi tin nhắn từ tài khoản gốc là 10%; tuy nhiên với các tin nhắn từ nhà mạng Vinaphone, Mobifone, mức phí này lên tới 49%. Việc này gây khó khăn cho công tác thanh toán.

Vì vậy, UBND TP đã giao Sở TT&TT cùng với các nhà mạng thiết lập đầu số mới 9556. Đại diện công ty CP đầu tư CIS cho biết: “Hiện nay, phần kĩ thuật đấu nối với các nhà mạng tham gia dự án đã được chuẩn bị xong. Việc đưa đầu số vào thực tế phụ thuộc vào tiến độ xây dựng chính sách của các nhà mạng. Các nhà mạng đang nỗ lực hoàn tất chuẩn bị để trong tháng 9-2017, đầu số 9556 sẽ được áp dụng”.

Trả lời về mức thu 30.000 đồng/xe trong khi giá niêm yết là 15.000 đồng/xe/60 phút, ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ cho biết, việc thu phí giữ xe trên được thực hiện theo Quyết định số 58/2016/QĐ-UBND.

Theo đó, phí trông giữ xe ô tô, quy định 1 lượt không quá 120 phút, quá thời gian 120 phút thu thêm các lượt tiếp theo. Loại xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống, mức phí từ 20.000 đến 40.000 đồng tùy theo tuyến phố... “Mức giá 15.000 đồng/xe/60 phút áp dụng trong quá trình thử nghiệm iParking. Hết quá trình thử nghiệm, chúng tôi thu theo quy định của thành phố. Khi có đầu số mới, sẽ không thu trực tiếp nữa”, ông Đức khẳng định.

Ông Đức cũng cho biết, Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ cho biết từ ngày 27-7 đã thành lập Tổ giám sát hoạt động tại các điểm đỗ xe iParking thanh toán giá dịch vụ qua điện thoại di động. Ông Đức cũng cho biết thêm, Công ty đã quán triệt tất cả nhân viên phải thu tiền đúng quy định, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm...

Phú Khánh (ANTĐ)

SourceXeHay