Tàu SE3 va máy xúc trật bánh tại Quảng Bình, gần 100 hành khách thoát nạn

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Khoảng 7h25 sáng nay 3/9, tàu SE3 chở gần 100 khách từ Hà Nội vào Sài Gòn đã va chạm với một máy xúc chạy qua đường ngang dân sinh tự mở khiến đầu tàu và 3 toa kế tiếp bị trật bánh. 

Trao đổi về vụ tai nạn này, ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh- an toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tinl sự việc xảy ra tại KM491+830 khu gian Ngân Sơn, Quảng Bình, thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất đã va chạm với 1 máy xúc băng qua đường ngang dân sinh giao cắt.

Hậu quả làm đầu máy và 3 toa tàu kế tiếp bị trật bánh, trong đó đầu máy của tòa xe bị đổ nghiêng, toa tàu kế tiếp bị hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, rất may trên đoàn tàu SE3 lúc này đang chở hơn 90 hành khách, tất cả đều an toàn. Lái máy và phụ máy bị thương nhẹ. Toàn bộ tổ tiếp viên trên tàu cũng an toàn.

Tàu SE3 va máy xúc trật bánh tại Quảng Bình, gần 100 hành khách thoát nạn

Hiện trường tàu SE3 va chạm máy xúc tại Quảng Bình bị trật bánh, đổ nghiêng 

Theo ông Chiến, ngay sau khi xảy ra sự việc, VNR đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuyền tải toàn bộ khách trên tàu từ ga Ngân Sơn về ga Đồng Hới, đồng thời lập đoàn tàu SE3 mới từ ga Đồng Hới chạy tiếp vào Sài Gòn.

Tương tự, hiện đang có đoàn tàu SE6 từ Sài Gòn ra Hà Nội, VNR cũng đã chỉ đạo khi tàu đến ga Đồng Hới sẽ chuyền tải khách đến ga Ngân Sơn, đồng thời lập đoàn tàu SE6 mới từ ga Ngân Sơn tiếp tục hành trình về Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, việc cứu hộ đoàn tàu SE3 gặp khá nhiều khó khăn bởi khu vực xảy ra tai nạn đường giao thông nhỏ hẹp, phương tiện cứu hộ rất khó ra vào. Hiện, VNR đã huy động phương tiện từ các nơi để nhanh chóng giải phóng tuyến đường sắt Thống Nhất. Ông Chiến  thông tin, VNR sẽ cố gắng thông tuyến đường sắt Thống Nhất trong thời gian sớm nhất, có thể trong ngày hôm nay sẽ hoàn thành.

Cũng theo VNR, vị trí xảy ra tai nạn là lối đi dân sinh tự mở, Công ty CP Đường sắt Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương để đóng cọc, rào chắn thu nhỏ lại, hạn chế phương tiện cơ giới cỡ lớn đi qua, đã bàn qiao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, người dân vẫn cố tình phá rào, phá cọc để lưu thông qua. "Nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nếu vẫn coi an toàn giao thông đường chính chỉ là của ngành đường sắt thì rất khó để hạn chế những vụ TNGT tương tự xảy ra", ông Chiến nhìn nhận. 

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay