Hà Nội sẽ số hóa giao thông
Hà Nội đang hợp tác với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT để xây dựng Hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố, tiến tới số hóa quản lý, điều tiết giao thông qua công nghệ.
Hà Nội đang xây dựng, đưa giao thông lên bản đồ số hóa
Giao thông chưa hoàn thiện
Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là sự kết hợp giữa tính toán, công nghệ thông tin và viễn thông có liên quan tới chuyên ngành giao thông - vận tải. Vì vậy, có thể định nghĩa ITS là ứng dụng của những công nghệ tính toán, thông tin và liên lạc trong việc quản lý xe cộ và các mạng lưới có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa trong thời gian thực. Giao thông và các hệ thống liên kết ITS bao gồm 3 bộ phận hợp thành: Cơ sở hạ tầng, phương tiện và yếu tố con người.
Ngày 31-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 519/QĐ-TTg ban hành, phê duyệt quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tần nhìn 2050. Theo đó, về kết cấu hạ tầng sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông đạt 20-26% cho đô thị trung tâm, 18-23% cho đô thị vệ tinh và đạt 16-20% cho các thị trấn.
Trong đó, diện tích cho giao thông tĩnh đạt 3-4%. Ngoài ra, về hệ thống hạ tầng đường bộ sẽ xây dựng mạng lưới đường bộ đối ngoại bao gồm đường cao tốc, quốc lộ và đường vành đai liên vùng; xây dựng đường sắt đô thị; cải tạo các nút giao; phát triển vận tải hành khách công cộng sẽ được ưu tiên, để đến năm 2030 ở đô thị trung tâm, đường sắt đô thị sẽ chiếm 25-30% lượng khách, xe buýt chiếm 25%...
Trong khi đó, hiện trạng giao thông vận tải ở Hà Nội chưa hoàn thiện, diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 8,6-8,9%, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại từ 90-92% nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, lòng đường…
Hệ thống đường vành đai vẫn chưa hoàn chỉnh do đó nhiều phương tiện vẫn phải đi qua khu vực trung tâm Hà Nội, làm tăng khả năng gây ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm. Phần lớn nút giao thông giữa đường bộ với đường sắt và giữa các đường chính ở cùng mức, đã tác động tiêu cực đến giao thông do thiếu thiết bị và phương tiện quản lý.
Mật độ mạng lưới giao thông đường bộ ở Hà Nội đạt 1,09km/km2, thấp hơn nhiều các thành phố Thủ đô khác trong khu vực có mật độ khoảng 5-6km/km2. Mặc dù hạ tầng đường bộ chưa hoàn thiện nhưng nhìn chung khó có thể mở rộng đường hoặc xây đường mới và tình trạng chậm trễ của những dự án đường bộ khá phổ biến.
Trong khi hạ tầng chậm phát triển thì tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân lại quá nhanh, hiện Hà Nội có đến hơn 5,2 triệu xe máy, xấp xỉ 500.000 ô tô, đó còn chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện vãng lai tham gia giao thông. Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc trung bình 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống giao thông đường bộ.
“Qua phân tích có thể thấy rõ các vấn đề hiện nay của giao thông Hà Nội bao gồm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng ồn, tỷ trọng xe máy trong dòng giao thông cao, tỷ lệ đất cho giao thông thấp. Giao thông công cộng đã phát triển nhưng còn chiếm tỷ trọng thấp, hệ thống giao thông công cộng chỉ bao gồm xe buýt hiện đã quá tải trên một số tuyến”, nghiên cứu của nhóm xây dựng Hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội chỉ ra.
Ưu tiên số hóa Vận Tải Công Cộng
Xây dựng thành phố thông minh là xu hướng được các đô thị trên thế giới áp dụng, để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, y tế, môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Xây dựng hệ thống ITS cho Thủ đô Hà Nội gồm các hệ thống: dẫn đường; thu phí điện tử; trợ giúp lái xe an toàn; tối ưu hóa tổ chức và quản lý giao thông; tăng cường hiệu quả quản lý đường; trợ giúp cho giao thông công cộng.
Xây dựng các trung tâm quản lý và điều hành giao thông hiện đại, đồng bộ và tiên tiến gồm Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng, Trung tâm quản lý hệ thống đường cao tốc và các trục chính đô thị, Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông…
Công ty FPT đề xuất, triển khai một số hệ thống thành phần trong giai đoạn 2017-2020 như hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh, hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô theo hình thức tự động không dừng sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến; hệ thống phần mềm chỉ huy, điều hành giao thông thông minh...
Nhằm nhanh chóng hình thành nền tảng cơ bản của hệ thống ITS, Công ty FPT đề xuất triển khai ngay một số hạng mục trong năm 2017 theo hình thức thuê dịch vụ CNTT. Theo hình thức này, FPT sẽ chịu trách nhiệm mọi khâu từ đầu tư hệ thống, đảm bảo vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và UBND TP Hà Nội thanh toán kinh phí cho việc thuê sử dụng dịch vụ.
Các hạng mục được đề xuất triển khai ngay trong năm 2017 gồm: thiết lập hạ tầng số như cung cấp kết nối, truyền dẫn dữ liệu; hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý Nhà nước; hệ thống quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân; hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, hệ thống thông tin giao thông FPT đầu tư xây dựng kênh cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và du khách với mục tiêu: thiết lập bản đồ giao thông Hà Nội bao gồm bản đồ giao thông Hà Nội, cung cấp công cụ tìm đường, phân luồng giao thông cho các tuyến phố; cung cấp thông tin tình trạng giao thông theo thời gian thực, tình trạng lưu lượng giao thông, cảnh báo lưu lượng giao thông, tiếp nhận cảnh báo và hiện thị cảnh báo khi có sự cố hạ tầng giao thông tại các nút giao…
Cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực… Thông qua đó, người tham gia giao thông sẽ có được các thông tin về tình trạng giao thông, tin về lộ trình, tránh các nút giao thông đang có cảnh báo về lưu lượng giao thông hoặc sự cố hạ tầng giao thông. Còn với cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được tình trạng giao thông thực tế của thành phố theo thời gian thực, điều phối giao thông…
Số hóa cơ sở hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải, hiện tại Sở Giao thông - Vận tải cần quản lý Nhà nước khoảng 60.000 xe kinh doanh vận tải, bao gồm: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, xe liên tỉnh. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của Trung tâm điều hành hiện tại chưa sẵn sàng nên trước mắt trong giai đoạn 1 sẽ thành lập bộ phận tác nghiệp cho giao thông thông minh đặt tại số 1 Kim Mã.
Xây dựng bản đồ số giao thông và hệ thống thông tin giao thông thời gian thực. Vé điện tử liên thông với mục tiêu đề xuất chuẩn và xây dựng hệ thống vé điện tử liên thông được với hệ thống xe buýt, BRT, và 3 tuyến đường sắt là 1A (Yên Viên - Ngọc Hồi), 2A (Cát Linh - Hà Đông) và 3A (Nhổn - Ga Hà Nội) để đưa ra điều chỉnh, bổ sung khung chính sách phù hợp.
Ngân Tuyền (ANTĐ)