Ế khách, "xe ôm" truyền thống nhái "xe ôm" công nghệ

| Thị trường
Xếp hạng 4.3 - 9 đánh giá

Không chỉ có taxi truyền thống, “xe ôm” truyền thống cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ “xe ôm” công nghệ như Grab, Uber.

Ế khách,

Tình trạng “xe ôm” công nghệ nhái đi xe ngày một phổ biến

Tại các bến xe, nhà ga… tình trạng lái “xe ôm” mặc áo, mang mũ bảo hiểm đồng phục của Grab và Uber chèo kéo khách đi xe đang xảy ra khá phổ biến. Ban đầu, hầu hết hành khách đều ngỡ là lái “xe ôm” của Grab () hoặc Uber (UberMotor), nhưng đến khi trả tiền, bị lái “xe ôm” chặt chém và công cuộc mặc cả bắt đầu thì khách mới ngã ngửa, mình bị lừa bởi “xe ôm công nghệ” nhái.

“Xe ôm” Grab “nhái” chèo kéo khách 

Cuộc chiến giữa taxi truyền thống - taxi công nghệ đến thời điểm này vẫn chưa đi đến hồi kết thì mâu thuẫn giữa “xe ôm” truyền thống và “xe ôm”công nghệ cũng diễn ra đầy căng thẳng, thậm chí, đã có xô xát, ẩu đả gây thương tích. “Xe ôm” truyền thống đã bị giảm thu nhập đáng kể từ khi “xe ôm”Grab phát triển ở thị trường Hà Nội và TP.HCM.

Điều khiến lượng hành khách của GrabBike hay UberMotor ngày một đông là do giá cước khá rẻ, minh bạch về quãng đường đi cũng như giá cước ngay từ đầu. Khách không phải lo tình trạng “chặt chém”, hay viện cớ này kia để đi đường vòng tăng tiền cước. Cũng bởi vậy, tình trạng “xe ôm” công nghệ bị hành hung, xô xát với “xe ôm”truyền thống diễn ra ngày một phổ biến ở Hà Nội và TP.HCM. 

Đại diện Grab Việt Nam cho biết, chỉ tính đến khoảng giữa tháng 6, trên cả nước, đã xảy ra khoảng 100 vụ lái xe GrabBike bị hành hung có liên quan đến “xe ôm” truyền thống. Tại Hà Nội, một số điểm “nóng” về tranh chấp giữa hai bên là ở khu vực bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát. Đáng nói, xung quanh các bến xe này luôn có một đội ngũ lái “xe ôm” công nghệ khá đông đúc, nhưng chiếm đến quá nửa là “hàng nhái”.

Ghi nhận tại bến xe Giáp Bát vào ngày thứ bảy (29-7) vừa qua cho thấy, quanh khu vực cổng bến xe Giáp Bát có đến hơn chục lái “xe ôm” GrabBike đội mũ xanh, mặc áo xanh sẵn sàng chở khách. Đội ngũ này đều nhận là “xe ôm” Grab và chèo kéo khách hàng như “xe ôm” truyền thống, ngay khi khách vừa ra khỏi cổng bến xe đã có 5-6 người mặc áo Grab, đội mũ bảo hiểm Grab vây quanh và hỏi muốn đi về đâu, chở với giá vừa phải.

Song, nếu để ý sẽ thấy, hầu hết các lái “xe ôm” này đều đã có tuổi. Ban đầu, hành khách khó lòng nhận ra đây là những lái “xe ôm” Grab nhái, chỉ mang áo và mũ đồng phục của Grab, còn lại vẫn chèo kéo, chào mời chở khách chứ không sử dụng điện thoại để tìm khách. 

Không được bắt khách ngoài ứng dụng

Chị Nguyễn Thùy Linh ở Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, nhiều lần chị đi xe khách về bến xe Giáp Bát đều được đội ngũ “xe ôm” Grab nhái vây kín, mời mọc. “Tôi không thấy họ quét qua ứng dụng Grab mà đón khách trực tiếp. Thắc mắc thì “xe ôm” Grab nhái này trả lời, không cần quét qua ứng dụng, nhưng giá thì vẫn tính rẻ tương tự. Thấy lái xe mặc áo, đội mũ đồng phục nên tôi tin.

Song, khi về đến phố Lê Thanh Nghị, lái xe đòi tôi trả 50.000 đồng cho cuốc xe từ bến xe Giáp Bát về, tôi không đồng ý vì trên ứng dụng chỉ tính hơn 20.000 đồng, Dù vậy, do lái xe lớn tiếng nên tôi đành trả đủ 50.000 đồng. Từ đó, tôi mới biết đây là “xe ôm” Grab nhái, chị Linh kể lại.

Rất nhiều hành khách đã phải xe ôm Grab nhái, nhất là hành khách tại các khu vực bến xe, bến tàu do một phần tâm lý vội, một phần vì ở đây khách đông đúc nên ai cũng muốn nhanh chóng rời đi. Nắm bắt được tâm lý này, hàng loạt “xe ôm” truyền thống đã mua lại đồng phục gồm áo và mũ  của “xe ôm” Grab để hoạt động.

Đặng Vũ Sơn, một GrabBike chuyên “đóng” ở khu vực bến xe Mỹ Đình cho biết, số “xe ôm” Grab nhái ở đây nhiều vô kể, còn hơn cả số “xe ôm” Grab thật. “Họ mời chào, chèo kéo khách dưới danh nghĩa “xe ôm” Grab, bọn em biết hết nhưng không dám nói. Bọn em chỉ đỗ xe ở khu vực này đã bị dọa đánh, gây sự nên chúng em đều đứng theo nhóm để có gì dễ bảo vệ, trợ giúp nhau”, Sơn cho hay.

Trao đổi về việc này, đại diện Grab Việt Nam cho biết, khi mới đăng ký chạy GrabBike, trong hợp đồng cũng như nhân viên hướng dẫn nhắc đi nhắc lại một nguyên tắc bất di bất dịch là không được bắt khách ngoài ứng dụng. Ai vi phạm sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Trong quá trình các GrabBike hoạt động hàng ngày, nếu thanh tra của Grab phát hiện tài khoản nào chạy “lậu”, tức bắt khách không qua hệ thống sẽ bị thu hồi tài khoản và khóa vĩnh viễn. Chính vì vậy, đây cũng là một cách để khách hàng phân biệt thật - giả và không bị bắt chẹt.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay