Quy chuẩn 41 không thể "to" hơn Luật Giao thông đường bộ
Ngày 8-4-2016, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 06/2016/TT - BGTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/11/2016 (gọi tắt là Quy chuẩn 41).
Tuy nhiên, qua rà soát, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã phát hiện rất nhiều những điểm, quy định trái với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Dù đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi song đến nay những bất cập này vẫn hiện hữu.
Trong Báo cáo số 997 của CATP Hà Nội ngày (24/11/2016) gửi Chủ tịch UBND - TP Hà Nội nêu rõ: Trước khi Quy Chuẩn 41 có hiệu lực, CATP Hà Nội đã có Công văn số 4209 (ngày 31-10-2016) gửi Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị điều chỉnh thay thế, bổ sung hệ thống biển báo hiệu, vạch sơn cho phù hợp với Quy chuẩn mới, làm căn cứ pháp lý cho các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, kể từ ngày Quy chuẩn 41 có hiệu lực, các nội dung trong đề xuất của CATP Hà Nội chưa được các đơn vị chức năng có liên quan triển khai thực hiện đầy đủ như: Vạch sơn tim đường, biển báo cấm rẽ trái, biển báo đường dành riêng... Đồng thời, qua quá trình thực hiện, CATP Hà Nội nhận thấy một số nội dung trong Quy chuẩn 41 có nhiều điểm bất cập, khó thực hiện. Đáng chú ý, có những nội dung của Quy chuẩn này trái với quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản pháp luật hiện hành.
CATP Hà Nội đã báo cáo, đề xuất với UBND - TP có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh một số nội dung cụ thể như: Tại mục 10.3.2, Điều 10 - Quy chuẩn 41 quy định về ý nghĩa của đèn vàng: “Tín hiệu vàng báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ.
Việc quy định trái Luật Giao thông của Quy chuẩn 41 gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ, nảy sinh bất cập ảnh hưởng đến ATGT
Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”. Trong khi đó, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Cũng theo Phòng CSGT - CATP Hà Nội, tại mục 3.1, Điều 3 - Quy chuẩn 41 giải thích đường cao tốc như sau: “Đường cao tốc là đường dành riêng cho xe ô tô và một số loại xe chuyên dùng được phép đi vào theo quy định của Luật Giao thông đường bộ”. Trong khi đó tại Điểm 12, Điều 3, Luật GTĐB quy định: Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới (trong đó, xe cơ giới bao gồm: Xe ô tô, máy kéo, rơ moóc, hoặc xe sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh; xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự”.
Bên cạnh đó, Điểm 3.30, Điều 3 - Quy chuẩn 41 còn quy định chưa phù hợp về xe ô tô tải. Theo Quy chuẩn này, xe ô tô con là xe ô tô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc ô tô chở hàng với khối lượng hàng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg; xe ô tô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe 3 bánh, nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400 kg và tải trong toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1.500 kg; Điểm 3.32, Điều 3 - Quy chuẩn 41 lại quy định: Ô tô tải là xe ô tô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT từ 1.500 kg trở lên.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội chia sẻ: “Việc quy định xe ô tô tải có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 1.500 kg được coi như là xe ô tô con như Quy chuẩn 41 là bất hợp lý, cần phải điều chỉnh lại”.
Phải nhanh chóng điều chỉnh
Lý do được Phòng CSGT - CATP Hà Nội đưa ra là, theo Giấy chứng nhận xuất xưởng và theo Giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đối với các xe ô tô chở hàng (kể cả xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 1.500 kg) đều được ghi loại phương tiện là xe tải (trừ xe bán tải).
Việc thể hiện trên các loại giấy tờ, tài liệu trên là xe tải là phù hợp với tính năng, tác dụng, thiết kế và mục đích sử dụng thực tế của phương tiện. Việc xác định xe ô tô chở hàng với khối lượng hàng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg là xe con theo như Quy chuẩn 41 là không phù hợp, trái với quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Với thực trạng cơ sở hạ tầng, tình hình giao thông và mật độ phương tiện như hiện nay, nếu xác định xe tải thành xe con như Quy chuẩn 41, sẽ khiến giao thông của thành phố hỗn loạn.
Việc Quy chuẩn 41 quy định xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở dưới 1.500 kg là xe ô tô con sẽ gây ra những hệ lụy và bất cập trong công tác quản lý, xử lý vi phạm
Trước những phản ánh của CATP Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có Kết luận kiểm tra số 13 ngày 5-7-2017. Theo đó, qua rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, Cục Kiểm tra văn bản thấy rằng, Bộ GTVT đưa khái niệm ô tô con, ô tô tải tại Thông tư 06 là chưa thống nhất với quy định của Chính phủ.
Cụ thể, Điều 3 - Nghị định số 95/2009 (ngày 30-10-2009) của Thủ tướng Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người thì: “Xe ô tô chở hàng là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chuyên chở hàng hóa (xe ô tô tải)”, và “Xe ô tô chở người là xe ô tô có kết cấu và trang bị dùng để chở người và hành lý mang theo”. Như vậy, Nghị định số 95 quy định tiêu chí xác định ô tô tải dựa trên thiết kế và mục đích sử dụng là để chở hàng, còn xe ô tô con là để chở người, trong khi đó Thông tư 06 (Quy chuẩn 41) phân biệt xe ô tô con và ô tô tải dựa trên khối lượng chuyên chở cho phép (1.500kg).
Liên quan đến đèn vàng được quy định tại Quy chuẩn 41, Cục Kiểm tra văn bản cũng xác định: Theo điểm c, khoản 3, Điều 10, Luật GTĐB (là căn cứ pháp lý trực tiếp để ban hành Thông tư số 06/2016 - Bộ GTVT): Trường hợp đèn giao thông có tín hiệu vàng thì phương tiện chỉ được đi tiếp khi đã đi quá vạch dừng. Do đó, Thông tư 06/2016 của Bộ GTVT quy định khi đèn có tín hiệu vàng mà các phương tiện đã tiến sát đến vạch dừng được đi tiếp là chưa phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ. Cục Kiểm tra văn bản cũng khẳng định, quy định này có thể gây ra những khó khăn cho người tham gia giao thông, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật vì khái niệm “tiến sát” là rất khó xác định.
Box: Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản Quy pháp pháp luật kiến nghị Bộ GTVT tổ chức xem xét, xử lý những nội dung chưa thống nhất tại Thông tư 06/2016/TT - BGTVT được nêu trong Kết luận; đồng thời thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận này theo quy định của Chính phủ.
Hoàng Phong (ANTĐ)