Báo động tình trạng người vi phạm ngang nhiên chống đối, lăng mạ cảnh sát giao thông
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc người vi phạm quy định về an toàn giao thông có hành vi lăng mạ, chửi bới, thậm chí còn có hành động gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của những cảnh sát giao thông (CSGT) đang thực thi nhiệm vụ.
Chiến sỹ CSGT bị người vi phạm mắng chửi… và bị lái xe container húc văng xuống đường
Tình trạng trên thể hiện thái độ ngông nghênh chống đối, coi thường pháp luật của một số cá nhân, gây bức xúc trong nhân dân, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có hình thức xử lý nghiêm minh để ngăn chặn và răn đe chung.
Người vi phạm “vừa ăn cướp, vừa la làng”
Ngày 17-7, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đang giằng co, chửi bới một chiến sĩ CSGT. Vụ việc xảy ra tại giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Theo hình ảnh và nội dung chia sẻ trên facebook, người phụ nữ đi trên chiếc xe ô tô màu đen sang trọng đã lấn sang làn đường ngược chiều khiến đoạn đường bị ùn tắc. Chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ tại khu vực phát hiện sự việc đã yêu cầu người phụ nữ chạy đúng làn thì chị ta đã mở cửa xông ra chửi bới, lăng mạ CSGT.
Hành động này đã gây cản trở giao thông tại khu vực, khiến nhiều người dân chứng kiến sự việc khá bức xúc. Sau khi nhận được thông tin về sự việc trên, Công an phường 25, quận Bình Thạnh đã triệu tập người phụ nữ này lên làm việc. Được biết, đến thời điểm hiện tại, người phụ nữ trên đã nhận ra lỗi của mình, đồng thời ngỏ lời xin lỗi chiến sỹ CSGT.
Tại Hà Nội cũng xảy ra vụ việc tương tự. Ngày 25-5 khi tổ công tác của Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ tuần tra xử lý Vi Phạm Giao Thông tại ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy vi phạm giao thông đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, sau đó ra quyết định tạm giữ phương tiện theo quy định. Ít phút sau, một phụ nữ xuất hiện tự xưng là nhà báo (nhưng thực tế không phải nhà báo) đến can thiệp, giơ điện thoại buộc CSGT nghe máy, sau đó lớn tiếng lăng mạ các chiến sĩ CSGT.
Không chỉ dừng lại ở lăng mạ, xúc phạm lực lượng CSGT mà một số đối tượng vi phạm còn có hành vi chống đối, gây tai nạn cho những người đang thi hành công vụ. 16h ngày 30-6, tại QL1A (đoạn chạy qua huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh gồm 3 đồng chí ra hiệu lệnh dừng xe đối với ô tô tải BKS: 77C- 016.47 kéo theo rơ-mooc do Lưu Văn Châu (SN 1991) điều khiển.
Sau khi nhận được thông báo lỗi vi phạm vượt quá tốc độ, lái xe không những không xuất trình giấy tờ mà còn lên xe đóng cửa lại và bất ngờ cho xe chạy. Thượng úy Lê Hồ Việt Anh đang đứng trước bên phải đầu xe nhanh chóng nhảy được ra khỏi vùng nguy hiểm còn Thượng úy Nguyễn Anh Đức đứng phía bên trái đầu xe không tránh kịp buộc phải bám vào càng gương chiếu hậu phía trước mũi xe.
Dù vậy, Châu tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao rồi đánh ngoặt sang trái, hất Thượng úy Anh Đức vào dải phân cách bê tông giữa đường rồi tiếp tục cho xe chạy. Kết quả giám định cho thấy, Thượng úy Anh Đức bị gãy chân, chấn thương sọ não. Nghiêm trọng hơn, ngày 15-4, một chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai đã bị xe cán tử vong khi cố ngăn cản xe có dấu hiệu vi phạm tại Trạm thu phí cầu Đồng Nai.
Chế tài chưa đủ mạnh?
Được biết, ngay sau khi xảy ra những vụ việc trên, Bộ Công an đã có công điện, trong đó nêu rõ, trong thời gian qua, tình trạng người vi phạm trật tự, an toàn giao thông không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống lại lực lượng thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân và cán bộ, chiến sĩ thi hành công vụ.
Do vậy, đối với người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ được phép sử dụng mọi phương tiện, biện pháp công tác của lực lượng để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy trình công tác.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội, căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, người thực hiện hành vi vi phạm chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, Nghị định 167/2013/N Đ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ…
Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu TNHS về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự với chế tài xử phạt không giam giữ đến 3 năm; hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Tuy vậy, luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng, trong khi hành vi chống người thi hành công vụ đang diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng thì chế tài xử phạt lại chưa đủ sức răn đe. Công cụ hỗ trợ cũng như vũ khí trang bị cho CSGT cũng còn hạn chế. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng bên cạnh việc xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, cần tiến hành xét xử lưu động đối với một số vụ việc nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm, đồng thời tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ đối với người dân.
Xử lý vi phạm không nên cứng nhắc, có thể phạt “nguội” Theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt – Trường ĐH Giao thông Vận tải, khi người vi phạm quy định về an toàn giao thông có hành vi xúc phạm, lăng mạ thì CSGT có thể dùng trang thiết bị nghiệp vụ hoặc điện thoại ghi lại để làm căn cứ xử lý. Nếu họ tấn công thì CSGT có thể thông báo với CAP sở tại hoặc cảnh sát trật tự đến giải quyết theo thẩm quyền. Khi phát hiện phương tiện vi phạm, CSGT có thể truy đuổi. Song nếu việc truy đuổi không khả thi, CSGT có thể ghi nhớ biển số xe, màu xe… để thông báo cho các chốt sau. Với lái xe, đặc biệt là lái xe tải đường dài, thường rất căng thẳng, mệt mỏi nên dễ bị mất bình tĩnh, ức chế khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra, đặc biệt là với những CSGT có thái độ ứng xử chưa đúng mực. Vì vậy, đối với những lái xe hung hăng, có hành vi chống đối quyết liệt, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình, CSGT không nên cứng nhắc kiên quyết xử lý vi phạm ngay lập tức mà có thể chọn hình thức phạt “nguội”. |
Huệ Linh (ANTĐ)