Tai nạn giao thông vẫn rình rập
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhìn nhận, tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2017 vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong nhân dân.
Mặc dù TNGT trong 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm so với cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn xảy ra 23 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM gia tăng.
Tai Nạn Giao Thông vẫn diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2017
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. So với 6 tháng đầu năm 2016 giảm trên cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ TNGT giảm 636 vụ (6,22%), số người chết giảm 229 người (5,2%), số người bị thương giảm 1.004 (11,23%).
Phân tích cho thấy, nguyên nhân TNGT đường bộ chủ yếu là do đi không đúng phần đường, làn đường (chiếm gần 25%), vi phạm tốc độ quy định hơn 10%; quy trình, thao tác lái xe kém chiếm 7,7%... Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô, xe máy 65%, xe ô tô 30%. Có đến 22 địa phương có TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt có đến 4 địa phương có số người chết vì TNGT tăng 30% gồm An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ và Lai Châu.
Nhìn nhận về tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm tại Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra chiều 4-7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra.
Bên cạnh đó, tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở quá tải có xu hướng tăng mạnh. Ngoài ra, tình hình ùn tắc giao thông trong những tháng đầu năm nay tại Hà Nội và TP.HCM có dấu hiệu gia tăng. Số liệu thống kê từ Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, trong 6 tháng đầu năm tại Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra 33 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp là do chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT. Đáng nói, một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực làm trái quy định, đặc biệt trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thủy nội địa.
Trong khi đó, hệ thống quy định pháp luật bảo đảm trật tự ATGT còn thiếu, hoặc bất cập dẫn tới vướng mắc, hiệu quả thấp trong tổ chức; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, nhất là sự tăng nhanh của xe ô tô tải, ô tô con cá nhân…
Áp lực ngày càng lớn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung vào những công trình trọng điểm, giúp giảm ùn tắc giao thông; xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng núp bóng xe khách tuyến cố định liên tỉnh, mở rộng mạng lưới xe buýt (7 tuyến mở mới từ đầu năm 2017 đến nay), đưa vào khai thác BRT…
Từ nay đến cuối năm 2017, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt thực hiện hiệu quả Năm ATGT, đảm bảo trật tự lòng đường vỉa hè, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông khung, như vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và phối hợp với Bộ GTVT triển khai dự án vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long…
Cùng đó, thành phố đang xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể Đề án thành phố thông minh, tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông…
Ghi nhận nỗ lực của các địa phương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong thời gian tới, nhu cầu vận tải còn tăng cao, phương tiện tăng nhanh sẽ tạo áp lực lớn về ATGT, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc tích cực, kéo giảm TNGT nhằm mục tiêu giảm từ 5-10% TNGT trên cả 3 tiêu chí.
Ngân Tuyền (ANTĐ)