Đối thoại nảy lửa giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp taxi truyền thống và doanh nghiệp thí điểm xe hợp đồng ứng dụng công nghệ chở khách như Uber, Grab hay còn được gọi với tên taxi công nghệ diễn ra đầy kịch tính mà chưa thể đi đến hồi kết sau 1 buổi sáng.

Dù bắt đầu từ 8h30 sáng dưới sự chủ trì của Bộ GTVT, nhưng đến 12h30 cuộc họp mới tạm thời kết thúc nhưng chưa thể giải quyết được sự xung đột giữa và loại hình đã lên đến đỉnh điểm.

Tại cuộc đối thoại sáng nay 28/6, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định, loại hình như Grab và Uber là xe hợp đồng ứng dụng công nghệ, không phải là taxi, trong khi đó, các địa phương đang triển khai thí điểm như Hà Nội, TP. HCM, Khánh Hòa, các Hiệp hội taxi địa phương, doanh nghiệp taxi truyền thống đều khẳng định, Grab và Uber là một loại hình taxi ứng dụng công nghệ, không phải xe hợp đồng.

Đối thoại nảy lửa giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ

Hà Nội cho biết sẽ quản lý taxi công nghệ Grab, Uber như taxi truyền thống

Cuộc đối thoại càng gay gắt hơn khi đại diện Công ty Uber khẳng định, mình không phải là một doanh nghiệp vận tải, chỉ là doanh nghiệp công nghệ, cung cấp phần mềm, đồng thời không cung cấp số liệu lái xe tham gia mạng lưới chở khách vì cho rằng đây là “bí mật kinh doanh”.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, sau gần 2 năm triển khai thí điểm Đề án ứng dụng công nghệ trên xe hợp đồng chở khách dưới 9 chỗ ngồi (taxi công nghệ- PV) đã mang lại nhiều lợi ích, như cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng quản lý hơn, biết được đơn vị tham gia hoạt động, số lượng xe, bản thân người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.

Tuy vậy, đến nay, số lượng xe thực sự tham gia hoạt động trong mạng lưới Uber là bao nhiêu thì Bộ GTVT cũng không nắm được, vì Công ty Uber không cung cấp.

Theo số liệu sơ bộ từ phía Sở GTVT Hà Nội và TP. HCM, đến thời điểm hiện tại, tại Hà Nội có khoảng 7.200 xe tham gia taxi công nghệ, còn tại TP. HCM là 22.000 xe. “Số lượng này tăng quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng, phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị của địa phương”, đại diện Sở GTVT TP. HCM và Hà Nội cho biết.

Tại buổi đối thoại, doanh nghiệp taxi truyền thống khẳng định, không chủ trương đối đầu với taxi công nghệ, và vấn đề quan tâm nhất là đề nghị Bộ GTVT làm rõ, loại hình kinh doanh của Grab và Uber thực chất là gì, là kinh doanh vận tải hay cung cấp phần mềm, và đây là xe hợp đồng điện tử hay xe taxi ứng dụng công nghệ?.

“Chúng tôi không cầu xin sự bảo hộ từ Nhà nước, mà chúng tôi đòi hỏi sự công bằng trong chính sách. Các doanh nghiệp taxi truyền thống bức xúc không phải do Grab hay Uber mà do chính sách quản lý taxi đang đè nặng lên chúng tôi, không đảm bảo công bằng giữa hai loại hình này dù về bản chất là hoàn toàn giống nhau.

Taxi truyền thống không có chủ trương đối đầu với taxi công nghệ nhưng cái gì chưa đúng, chưa công bằng thì phải sửa, cùng bắt  tay chấp hành pháp luật thì mới có sự cạnh tranh lành mạnh”, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM bày tỏ.

Tương tự, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, các doanh nghiệp taxi truyền thống muốn có chính sách công bằng, bình đẳng từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

“Taxi  truyền thống chúng tôi đang phải chịu 13 quy định về quản lý, trong khi đó, loại hình Grab và Uber đang thí điểm thực chất là taxi ứng dụng công nghệ, còn trong Đề án thí điểm gọi là xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ chỉ là một cách để lách luật nhưng lại được quản lý rất lỏng lẻo, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng”, ông Bình cho hay.

Và theo ông Tạ Long Hỷ, hiện sự xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đã lên đến đỉnh điểm, nếu Bộ GTVT và các bộ, ngành địa phương không có biện pháp tháo gỡ kịp thời, thỏa đáng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Đại diện Sở GTVT  TP. HCM và Hà Nội đều cho biết, tiến tới sẽ cắm biển hạn chế taxi công nghệ trên một số tuyến phố theo khung giờ cao điểm như taxi truyền thống.

Đặc biệt, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tới đây, Hà Nội sẽ quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống dù Bộ GTVT cho rằng đây không phải là taxi, sẽ buộc xe tham gia taxi công nghệ phải có logo, phù hiệu, đồng thời Sở GTVT Hà Nội cũng đã kiến nghị UBND TP Hà Nội dừng thí điểm loại hình vận tải này trên địa bàn, không cho tăng thêm số lượng xe tham gia.

Trả lời thắc mắc của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, tới đây sẽ làm việc lại với tất cả các bộ, ngành liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Công  Thương, Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp và 2 doanh nghiệp Grab, Uber để làm rõ vấn đề, và tìm giải pháp hài hòa, còn trước mắt các doanh nghiệp chia sẻ với Bộ. Ngoài ra, tại Nghị định 86 sửa đổi mà Bộ đang chủ trì soạn thảo cũng đã xem xét đưa loại hình vận tải này vào diện quản lý.

“4 tỉnh, thành phố đang triển khai thí điểm hoạt động Uber và Grab căn cứ vào quy định của Bộ GTVT để làm hết chức trách của mình, không đổ lỗi cho Bộ GTVT hay bộ, ngành khác trong việc triển khai thí điểm xe hợp đồng ứng dụng công nghệ.

Taxi truyền thống cũng phải thay đổi mình từ giá cước đến cung cách phục vụ, chất lượng xe…và triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành.

Grab, Uber họ có khuyến mãi, giá cước rẻ nhưng vẫn có lãi, điều này chứng tỏ giá cước của taxi truyền thống đang cao. Phải xem xét lại chứ không thể chỉ đổ lỗi”, ông Trường nhấn mạnh.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay