Lo sốt vó với đề xuất tăng thuế phí ô tô bán tải
Với mức tăng các loại thuế phí được đề xuất gấp nhiều lần mức hiện hành, dự kiến, mỗi chiếc ô tô bán tải có thể sẽ phải tăng giá hàng trăm triệu đồng.
Việc tăng mức thuế suất áp dụng đối với xe ô tô bán tải khiến giới kinh doanh dòng xe này lo lắng
Từ trước đến nay, Xe Bán Tải được ưu đãi lớn về thuế, phí. Cụ thể, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe bán tải và xe du lịch đều có mức thu chung là 15-25% tùy dung tích động cơ. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại có sự khác biệt lớn, với dòng xe bán tải chỉ là 5% so với mức 30% của các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ (năm 2016 là 40%) nếu đáp ứng đủ yêu cầu nội địa hóa ở nước sở tại.
Nhập khẩu tăng mạnh vì ưu đãi thuế
Đặc biệt, đối với lệ phí trước bạ, xe bán tải tại Việt Nam chỉ phải chịu mức 2%, trong khi với các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ đang chịu mức 10-15% tùy địa phương. Điều này đã khiến lượng xe bán tải nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh thời gian qua với hơn 30 phiên bản khác nhau của hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2016, doanh số bán hàng của phân khúc bán tải ở thị trường Việt Nam là hơn 23.000 xe, chiếm hơn 7,5% thị phần và tăng gấp đôi so với năm 2015. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, lượng xe bán tải nhập khẩu vào Việt Nam ở mức hơn 4.000 chiếc.
Tuy nhiên, giới kinh doanh xe bán tải gần đây lo lắng bởi trong đề xuất gửi tới Chính phủ và Quốc hội, Bộ Công Thương đã kiến nghị áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ô tô con dưới 9 chỗ, đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải (từ 2% lên 10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (từ mức 15-25% lên mức 40-110%).
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu lại mức thuế suất áp dụng đối với ô tô bán tải để báo cáo Chính phủ và Quốc hội có hướng điều chỉnh.
Tăng Giá hàng trăm triệu
Động thái mới của Chính phủ và các bộ, ngành khiến các hãng xe tham gia phân khúc này lo lắng cho kế hoạch kinh doanh của họ, đồng thời khiến người tiêu dùng cũng băn khoăn.
Anh Trần Đức Nam, một người kinh doanh ô tô lâu năm tính toán, nếu Chính phủ và Quốc hội đồng ý điều chỉnh mức thuế với xe bán tải như đề xuất của Bộ Công Thương, mỗi chiếc xe bán tải có thể tăng giá hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Nam, giả sử, một chiếc xe bán tải bình dân đang có giá nhập khẩu khoảng 450 triệu đồng, cộng với thuế nhập khẩu 5% (22,5 triệu đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 15% (71 triệu đồng), 2% phí trước bạ (11 triệu đồng), giá bán sẽ dao động khoảng 560 triệu đồng.
Nhưng nếu tính theo mức đề xuất của Bộ Công Thương mức tăng giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. “Giả sử các mẫu xe không thuộc diện ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, thì với mức tăng thuế nhập khẩu lên 30%, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 50%, phí trước bạ 10% thì chiếc xe này sẽ đội giá thêm khoảng 400 triệu đồng. Đó là chưa kể những mẫu xe dung tích xi lanh lớn mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể lên đến 90%” - anh Nam tính toán.
Riêng những mẫu Xe Nhập Khẩu ASEAN dung tích xi lanh dưới 2,0 lít và có tỷ lệ nội địa trên 40% sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, tuy nhiên mức tăng vẫn khoảng 30% so với hiện nay.
Theo các chuyên gia, đề xuất này của Bộ Công Thương nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Cùng với đề xuất tăng thuế ô tô bán tải, Bộ này cũng nhấn mạnh giải pháp áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp đối với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao, như không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cả hai giải pháp này, cùng với nhiều giải pháp khác đều nhằm mục đích bảo hộ, khuyến khích sản xuất ô tô trong nước. “Nếu các doanh nghiệp khai thác được chính sách này thì sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước. Chẳng hạn thực tế trước đây các doanh nghiệp trong nước không muốn sản xuất ô tô bán tải, nhưng bây giờ cạnh tranh dữ dội thì phải nâng thuế nhập khẩu ô tô bán tải để sản xuất trong nước tăng lên. Đây là giải pháp phòng vệ thương mại nhưng nếu trong nước vẫn không sản xuất thì mức thuế có thể lại giảm”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.
Hà Loan (ANTĐ)