Cục Hàng không Việt Nam chưa nhận được đề án thành lập hãng hàng không Tre Việt của Tập đoàn FLC

| Thị trường
Xếp hạng 3.9 - 9 đánh giá

Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT vừa có quyết định thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt để tiến tới lấn sân sang lĩnh vực hàng không. 

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không (Viet Bamboo Airlines).

Theo đại diện FLC, doanh nghiệp mới sẽ có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng bên cạnh các ngành nghề khác. Tuy vậy, việc thành lập công ty mới chỉ là bước đầu tiên, vì tham gia ngành kinh doanh này đòi hỏi rất nhiều thủ tục, điều kiện, hạ tầng... FLC cử Phó Tổng giám đốc Đặng Tất Thắng đại diện quản lý toàn bộ vốn góp 700 tỷ đồng vào công ty mới. Đây là số vốn tối thiểu theo quy định để thành lập 1 hãng hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam chưa nhận được đề án thành lập hãng hàng không Tre Việt của Tập đoàn FLC

Tập đoàn FLC sẽ lấn sân sang hàng không với hãng hàng không Tre Việt?

Trao đổi về việc này, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục cho biết, Cục chưa nhận được đề xuất của FLC. Tuy nhiên, việc thành lập hãng hàng không là tùy theo mỗi doanh nghiệp, luật pháp không cấm nhưng được thành lập hay không còn chiếu theo quy định của Nhà nước mà ở đây là Nghị định 92/2016 quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không.

Về số vốn điều lệ 700 tỷ đồng, ông Thanh cho biết, số vốn này đủ điều kiện tối thiểu theo Nghị định 92 để thành lập hãng hàng không vận chuyển trong nước và quốc tế.

Theo quy định, doanh nghiệp sẽ trình đề án lên Cục Hàng không Việt Nam, Cục sẽ xem xét nếu đủ điều kiện sẽ trình lên Bộ GTVT, sau đó Bộ mới trình lên Chính phủ.

Hiện, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO - đơn vị đang trong quá trình tái cơ cấu, thông qua liên doanh giữa Vietnam Airlines với Techcombank.

Một tên tuổi khác là Vietstar Airlines (vốn điều lệ 800 tỷ đồng) dù đã công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 nhưng đến nay chưa được cấp phép hoạt động do phải chờ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

 Với quy mô vốn 700 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ được khai thác tối đa 10 tàu bay. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa, mức vốn điều lệ nêu trên đủ điều kiện để doanh nghiệp khai thác trên 30 tàu bay.

Tuy vậy, hàng không là lĩnh vực khá khốc liệt. Trước đó, nhiều hãng hàng không tư nhân cũng đã bị chết yểu như Air Mekong, Indochina Airlines.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay