Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Bí vốn, ngại rủi ro cơ chế
Được đánh giá là cần thiết nhưng làm thế nào để huy động được nguồn vốn khổng lồ cho dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn đang là câu hỏi khó.
Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng hiện phí thu hàng ngày không đủ trả lãi vay
Chính phủ vừa đồng ý Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ để làm Cao Tốc Bắc Nam. Nhưng dòng tiền còn lại sẽ lấy ở đâu trong bối cảnh tín dụng dành cho hạ tầng giao thông đang ngày một cạn?
Nhà đầu tư trong nước lực đã yếu
Theo đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Hà Nội - TP.HCM do Bộ GTVT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, dự án sẽ được phân kỳ thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (từ năm 2017-2022), tổng chiều dài đầu tư là 684km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 55.000 tỷ đồng đã được Chính phủ thông qua, nguồn vốn cần huy động từ các nhà đầu tư là 61.591 tỷ đồng…
Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, nguồn vốn đầu tư dự án chỉ có thể từ ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng rất cảnh giác cho vay dự án BOT giao thông vì nợ xấu nhiều. “Các doanh nghiệp rất khó để vay vốn nội địa và sẽ xem xét chuyển sang vay vốn nước ngoài. Nhưng các nhà đầu tư cũng phải cân nhắc về lãi suất, tiến độ giải ngân, trả nợ...” - ông Lê Xuân Nghĩa phân tích. Theo các quy định hiện hành, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 15% tổng số vốn của dự án BOT. Đây là con số rất lớn nên các nhà đầu tư sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro, trong đó có cả rủi ro về lãi suất.
“Nếu lợi nhuận dưới 15%, sẽ không nhà đầu tư nào dám làm dự án đường cao tốc. Hơn nữa, khả năng thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong nước là rất thấp vì các doanh nghiệp đã dồn hết lực vào các dự án BOT thời gian qua”. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) |