Cận cảnh thủ đoạn làm giả giấy tờ phương tiện

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Với sự phát triển của công nghệ in ngày càng tiên tiến, hiện đại, nỗi lo về tình trạng giả mạo đăng ký xe và các giấy tờ có liên quan ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, có những hồ sơ, giấy tờ ngay cả những CBCS có nhiều năm kinh nghiệm cũng phải nhờ đến các thiết bị đặc biệt mới “soi” ra được là giả.

Cận cảnh thủ đoạn làm giả giấy tờ phương tiện

Tại các điểm đăng ký, trước khi đăng ký phương tiện cho người dân, CSGT đều kiểm tra rất kỹ các giấy tờ có liên quan

Thủ đoạn làm của các đối tượng vô cùng tinh vi. Chúng có thể làm giả một phần, toàn phần hay đặc biệt hơn là giấy tờ thật nhưng lại do gian lận mà có. Tuy nhiên, dù có tinh vi xảo quyệt đến đâu, các đối tượng này cũng bị cơ quan công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

Tràn lan giấy tờ, đăng ký xe giả

Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội trong thời gian qua đã phát hiện nhiều đối tượng sử dụng giấy tờ giả để lưu hành phương tiện. Tính đến thời điểm này, tổng số các vụ việc, đối tượng sử dụng giấy phép lái xe giả, biển kiểm soát giả lên tới hàng chục trường hợp.

Cách đây chưa lâu, chỉ trong một ca trực, CSGT đã kịp thời phát hiện 4 đối tượng sử dụng giấy phép lái xe giả. Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, không chỉ qua tuần tra ngoài đường, tại những điểm xử lý và nhất là điểm đăng ký của các Đội CSGT cũng phát hiện hàng trăm trường hợp người vi phạm sử dụng giấy tờ, hồ sơ và giấy phép lái xe giả. 

Mới đây, một đường dây gồm 22 đối tượng chuyên làm giấy phép lái xe giả đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng phát hiện. Cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ này là Lê Thị Yến, trú tại huyện Hòa An, Cao Bằng. Yến đã móc nối với Nguyễn Văn Quyến, trú tại thị xã Thuận An, Bình Dương và các đối tượng khác cùng nhau làm giả, cung cấp tiêu thụ 400 giấy phép lái xe mô tô giả.

Với hàng trăm giấy phép lái xe giả này, số tiền các đối tượng thu về không hề nhỏ, lên tới vài trăm triệu đồng. Cũng trong khoảng thời gian ngắn, Nguyễn Thị Yến còn chuyển khoảng 600 bộ hồ sơ và 287,5 triệu đồng cho một đối tượng tên là Cao Văn Thành, ở tỉnh Bình Dương để làm giấy phép lái xe giả. 

Đây là vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với quy mô lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, tỉnh, thành phố. Đằng sau những giấy phép lái xe giả này là các vụ TNGT nghiêm trọng đối với người tham gia giao thông do các lái xe sử dụng bằng giả này gây ra. Không chỉ làm giả giấy phép lái xe, trong thời gian qua rất nhiều các đối tượng, đường dây làm giả đăng ký xe, giấy tờ xe có liên quan khác để trục lợi.

Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt xóa ổ nhóm chuyên thuê ô tô tự lái, làm giả giấy tờ rồi đem cầm cố lấy tiền tiêu xài với quy mô hơn 20 chiếc, trị giá hàng chục tỉ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là thuê xe ô tô tự lái rồi nhờ đối tượng Phạm Thế Anh (34 tuổi), trú xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) là thợ in ấn quảng cáo làm giả đăng ký xe rồi đem bán, cầm cố.

Vạch mặt, chỉ tên các thủ đoạn

Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an thông tin, hiện nay toàn quốc có khoảng 3,3 triệu ôtô; 51,6 triệu xe môtô. Trung bình mỗi năm, số xe đăng ký mới tăng khoảng 10%. Sự gia tăng mạnh mẽ, nhanh chóng của số lượng phương tiện này đã tạo nên một sức ép không hề nhỏ với công tác đăng ký và quản lý. Cùng với những phương tiện được nhập khẩu, sản xuất có đầy đủ hóa đơn, chứng từ có liên quan để đăng ký hợp pháp thì vẫn còn không ít những phương tiện nằm trong diện nhập lậu, có nguồn gốc không rõ ràng. “Nếu không tỉnh táo, có bản lĩnh, kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ thì các CBCS làm công tác đăng ký đã vô tình tiếp tay cho những đối tượng phạm pháp” - Đại tá Lê Xuân Đức cảnh báo.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, Bộ Công an, trong thời gian qua, các đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn như tẩy xóa vết mờ, làm giả giấy tờ của xe hoặc chứng từ nguồn gốc như chủ sở hữu, trước bạ; sửa chữa giấy tờ gốc của xe, phiếu kiểm tra xuất xưởng vì đây là những giấy tờ quan trọng để chứng minh một chiếc xe hợp pháp.

Cùng với việc làm giả hồ sơ gốc, gần đây các đối tượng còn làm giả cả chứng từ lệ phí trước bạ (do lệ phí làm giấy tờ này lớn), trong khi đó loại giấy tờ này được in từ máy tính ra, không có dấu bảo mật, cùng đó lại do nhiều nơi thu như kho bạc, ngân hàng nên việc phát hiện vô cùng khó khăn. Tháng 4 vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã làm công văn khẩn gửi Cục CSGT, Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ về 32 chiếc xe  ô tô “siêu sang” làm giả hồ sơ nguồn gốc tịch thu bán đấu giá của các địa phương, hồ sơ đăng ký để kiểm định.

“Nếu không tỉnh táo, có bản lĩnh, kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ thì các cán bộ chiến sĩ làm công tác đăng ký đã vô tình tiếp tay cho những đối tượng phạm pháp”.

Đại tá Lê Xuân Đức (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an)

Đáng chú ý, trong 32 xe nói trên, có tới 25 xe hiệu Lexus thuộc các dòng LX570, RX350 với trị giá từ 3 - 7 tỉ đồng, còn lại 7 xe thuộc các nhãn hiệu Mercedes, Audi, Land Rover. Qua xác minh sơ bộ, những xe này mượn biển kiểm soát của các xe bình dân hiệu Toyota, Daewoo, Kia hay Fiat, trong đó có 3 xe BKS: 30E-568.07, 51F-443.63 và 51G-262.46 còn không có dữ liệu trên hệ thống đăng ký.

Đại úy Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội bổ sung: Ngoài việc làm giả hồ sơ, tài liệu gốc của chiếc xe, các đối tượng còn tẩy xóa số khung, số máy của phương tiện bất hợp pháp, rồi thay đổi lại một vài con số trên bề mặt tổng thành máy cho phù hợp với hồ sơ đăng ký xe. Bên cạnh đó, chúng còn dập lại số máy, số khung sao cho khớp với đăng ký thật để lưu hành phương tiện hoặc sửa thông tin của xe. Thủ đoạn này chỉ áp dụng cho các phương tiện cá nhân còn những lô hàng với giá trị “khủng” thì việc làm giả giấy tờ hải quan, phiếu xuất xưởng… được các đối tượng buôn xe lựa chọn. 

Phòng ngừa không khó

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, thông qua công tác đăng ký, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện khá nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả để đăng ký, lưu hành phương tiện. Những giấy tờ giả này được làm giả hết sức tinh vi, rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, có cả những giấy tờ được làm từ phôi thật hoặc đăng ký thật nhưng lại có dấu hiệu gian lận để có. Đáng chú ý, những giấy tờ giả, gian lận này lại nằm trong diện các xe đắt tiền, có giá trị cao. Tất cả những giấy tờ giả này đều đã được chuyển sang Cơ quan CSĐT để điều tra nhằm xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo Đại úy Lê Thị Kim Tuyến, Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật Hình sự, CATP Hà Nội, việc nhận biết một số biểu hiện giả của những giấy tờ này không khó và người dân có thể làm được. Cụ thể, với đăng ký xe nhìn bằng mắt thường thấy đường nét, sắc nét hoa văn đồng màu liên tục. Đăng ký xe có mã số hiệu không được tạo ra bằng phương pháp đóng dấu trực tiếp sẽ là đăng ký xe giả.

Mã số của đăng ký xe thật được đóng dấu trực tiếp, thể hiện rõ dấu vết tràn mực tại ria mép, còn mã số hiệu của đăng ký xe giả được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên không có dấu vết tràn mực, ria mép có nhiều hạt mực khác nhau đan xen. Trong khi đó, hình dấu thật đồng màu, có dấu vết in typo còn hình dấu giả nhiều hạt màu đan xen, mực đồng đều, không có dấu vết tràn mực của phương pháp đóng dấu trực tiếp...

Đối với hợp đồng mua bán xe, hợp đồng cần phải có công chứng của các văn phòng công chứng. Ngoài chữ ký và dấu, hợp đồng phải được làm bằng nhiều trang, có đóng dấu giáp lai. Dấu giáp lai này phải khớp giữa các trang với nhau. 

Hoàng Phong (ANTĐ)

SourceXeHay