Tinh vi thủ đoạn cho xe sang đeo biển "đi mượn"

| Thị trường
Xếp hạng 4.2 - 9 đánh giá

Qua kiểm tra, lực lượng đăng kiểm đã phát hiện hàng loạt xe sang nhưng lại đeo biển đi mượn của xe khác, trong đó phần lớn là xe sang nhãn hiệu Lexus.

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi Cục CSGT, Bộ Công an đề nghị chỉ đạo lực lượng tuần tra, kiểm soát trên cả nước kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với các xe đã phát hiện sử dụng hồ sơ giả để kiểm định. Bởi qua kiểm soát dữ liệu và hồ sơ kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát hiện một số phương tiện do đối tượng xấu làm giả hồ sơ nguồn gốc tịch thu bán đấu giá của các địa phương, hồ sơ đăng ký để kiểm định.

Tinh vi thủ đoạn cho xe sang đeo biển

Quá trình khám xe Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện 32 xế hộp hạng sang dùng BKS giả (Ảnh minh họa)

32 bị đánh tráo biển số

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa phát hiện 32 trường hợp có dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ đăng ký, đăng kiểm xe ô tô. Điểm đáng chú  ý, đây đều là các xe hạng sang, nhãn hiệu Lexus, Camry, Audi, Mercedes. Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, xác minh từ Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho thấy, các trường hợp xe sang trên đều mang biển số của xe khác. “Hệ thống đăng kiểm đã phát hiện 32 trường hợp xe sang có giá trị lớn, mang các nhãn hiệu Lexus, Camry, Audi, Mercedes bị làm giả hồ sơ, giấy tờ và mang biển số của xe khác. Các xe này dùng biển số của xe khác, đời cũ và giá trị rất thấp và làm giả hồ sơ đăng kiểm, đăng ký để hợp thức hóa phương tiện”, ông Ngô Hồng Hệ cho hay. 

“Hiện tượng xe sang đeo biển số “đi mượn” không mới và đã từng bị phát hiện nhiều lần trước đây khi Cục Đăng kiểm chưa thể xác minh được nguồn gốc xe thông qua cổng thông tin một cửa hay từ nhà sản xuất, và thường xe đeo biển “đi mượn” sẽ có cùng nhãn hiệu số loại để cơ quan chức năng khó phát hiện ra sai lệch về số khung, số máy hay hồ sơ xe”. 

Cục Đăng kiểm Việt Nam

Đáng nói, trong 32 xe sang bị phát hiện đeo biển số đi mượn có tới 25 xe thuộc dòng Lexus với giá trị cao, từ 3-7 tỷ đồng/chiếc và tất cả đều đang được lưu hành tại TP.HCM, còn lại là các dòng Audi, Mercedes, đặc biệt 3 xe biển số 30E: 568.07, 51F: 443.63 và 51G: 262.46 còn không có dữ liệu trên hệ thống đăng ký.

Chia sẻ thêm, đại diện Cục Đăng kiểm nhận định rằng, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, khi tiến hành làm thủ tục kiểm định lần đầu cho xe sang tên đổi chủ và chuyển biển số từ 4 số sang 5 số bằng các giấy tờ giả như giấy công chứng quyết định thanh lý, bán đấu giá xe, giấy hẹn lấy đăng ký xe.

Tuy nhiên, thông qua nghiệp vụ kiểm định, một số đơn vị đăng kiểm nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ về hồ sơ, giấy tờ, sau đó báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam để xác minh. Ban đầu cho thấy, cách thức phổ biến mà đối tượng làm giả là chuyển đổi các xe cũ có biển 4 chữ số sang xe biển 5 chữ số.

Sau đó, lấy biển 5 chữ số này (biển số thật) để làm giả hồ sơ, rồi đánh tráo đeo vào xe hạng sang (ví dụ giấy tờ đấu giá, thanh lý tài sản của ngân hàng, giấy hẹn cấp đổi biển xe sang tên đổi chủ...) sau đó đưa xe đi đăng kiểm. 

Cụ thể, theo quy định, tất cả các xe phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà Cục Đăng kiểm chỉ xác minh được qua hệ thống nhập khẩu của các đơn vị trên dữ liệu quốc gia của cổng thông tin một cửa hoặc qua sản xuất lắp ráp trong khi dữ liệu các xe thanh lý, tịch thu do buôn lậu, nhập lậu rồi các địa phương bán đấu giá thì Cục không có.

Để đăng kiểm lần đầu các xe dạng thanh lý này phải có quyết định tịch thu bán đấu giá nhưng những quyết định này thường liên quan tới cả một lô xe và phải nộp bản gốc cho Cục CSGT, nên giấy tờ nộp cho đăng kiểm chỉ là quyết định bán đấu giá, quyết định thanh lý bán đấu giá xe tịch thu có chứng thực của UBND xã, huyện, do đó cực kỳ khó trong việc xác định giấy chứng thực đó là đúng hay sai. Và lợi dụng kẽ hở dữ liệu giữa Cục Đăng kiểm và CSGT, các đối tượng đã lách để làm biển số cho xe cũ rồi đeo vào xe hạng sang. 

Tinh vi thủ đoạn cho xe sang đeo biển

Có hay không sự tiếp tay?

Ông Ngô Hồng Hệ cho hay, vụ việc chỉ bị phát hiện khi một trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM thấy nghi ngờ một chiếc xe nên đã chuyển hồ sơ sang xác minh bên Cục CSGT. Kết quả xác minh cho thấy, biển số xe đó được đổi từ biển 4 số sang 5 số của một chiếc xe cũ với giá trị rất thấp và thương hiệu khác biệt.

Sau đó, Cục Đăng kiểm đã cho rà soát lại hệ thống và phát hiện ra 32 xe đã làm những bước tương tự khi đăng kiểm nên đã xác minh bên Cục CSGT và toàn bộ số xe này có sự sai lệch về hồ sơ. Ví dụ, xe hồ sơ bên đăng kiểm là xe Lexus, nhưng bên CSGT là xe Daewoo; hay xe BKS 30E-399.46 hồ sơ đăng kiểm là xe Lexus RX350 nhưng kiểm chứng bên CSGT lại là xe Fiat… 

Qua kiểm tra trên hệ thống của đăng kiểm, phần lớn các xe trên đều đã đăng kiểm trót lọt với với đúng nhãn hiệu xe và vênh với hồ sơ bên Cục CSGT, riêng xe BKS 51G-231.57 được Cục Đăng kiểm xác định là xe Lexus LX570 nhưng trên hệ thống đăng kiểm lại là xe Toyota và trên hệ thống của Cục CSGT là xe Renault.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện tượng xe sang đeo biển số “đi mượn” không mới và đã từng bị phát hiện nhiều lần trước đây khi Cục Đăng kiểm chưa thể xác minh được nguồn gốc xe thông qua cổng thông tin một cửa hay từ nhà sản xuất, và thường xe đeo biển “đi mượn” sẽ có cùng nhãn hiệu số loại để cơ quan chức năng khó phát hiện ra sai lệch về số khung, số máy hay hồ sơ xe. 

Nhìn nhận về việc này, một cán bộ đăng kiểm cho rằng, nhiều khả năng có sự tiếp  tay của cơ quan chức năng thì mới “thông đồng bén giọt như vậy”, và các xe này dường như đang trong quá trình hợp thức hóa đầy đủ giấy tờ cho xe không rõ nguồn gốc rồi bán ra trên thị trường.

Theo cán bộ đăng kiểm này, không loại trừ trường hợp những xe này đã làm được giấy đăng ký xịn nhờ giấy tờ thanh lý giả và sau khi đăng kiểm trót lọt, chiếc xe sở hữu một vỏ bọc hợp pháp. Vỏ bọc trên sẽ chỉ bị lộ ra nếu xe vi phạm Luật Giao thông bị tạm giữ điều tra hoặc khi mua bán sang tên đổi chủ một lần nữa. Khi đó, chiếc xe sẽ bị lộ việc vênh giấy tờ đăng ký, đăng kiểm với hồ sơ gốc.

Theo quy định đăng kiểm xe lần đầu: Khi tiến hành đăng kiểm xe lần đầu, các chủ xe cần nộp bản chính CMND, giấy tờ xe bộ gốc (hóa đơn VAT, giấy xuất xưởng, kiểm định, chứng nhận môi trường, quyết định thanh lý, đấu giá…), bản photocopy giấy đăng ký xe hoặc giấy hẹn, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, biên  lai nộp lệ phí đăng kiểm. 

Với xe thanh lý, bán đấu giá hiện có 2 loại, một là những xe nhập trái phép vào Việt Nam sau đó cơ quan Nhà nước quyết định thanh lý, đấu giá cho các đơn vị và cá nhân và loại xe thanh lý này chưa qua sử dụng tại Việt Nam.

Loại thứ hai là xe vi phạm bị tịch thu hay cơ quan, cá nhân nào đó không có nhu cầu sử dụng nữa nên thanh lý bán. Loại này là xe đã qua sử dụng tại Việt Nam nên đã có hồ sơ đăng kiểm và người mua có thể mang hồ sơ thanh lý đến cơ quan đăng kiểm cũ để rút hồ sơ nhập về cơ quan đăng kiểm mới. Nếu là xe chưa qua sử dụng tại Việt Nam, các cơ quan đăng kiểm sẽ tra cứu và làm thủ tục đăng kiểm lần đầu cho xe.

Trước sự việc trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định các xe làm giả hồ sơ, giấy tờ; đồng thời, đã đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế tham nhũng (Bộ Công an) vào cuộc. Cục cũng khuyến cáo danh sách các xe thuộc diện trên để tổ chức, cá nhân tránh mua bán những xe bất hợp pháp.

Hải Dương (ANTĐ)

SourceXeHay