Bangkok làm "cách mạng xe đạp" giảm ùn tắc giao thông

| Thị trường
Xếp hạng 4.4 - 9 đánh giá

Tình trạng ùn tắc ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày càng trở nên trầm trọng khi dân số ngày càng tăng. Để thoát khỏi “ác mộng kẹt xe”, người dân thành phố này chọn đi xe đạp hoặc đi bộ, thuận tiện và tiết kiệm thời gian.

Ông Suton Anakun, Phó Chủ tịch Văn phòng chiến lược Bangkok cho biết, làn đường dành cho xe đạp rất hữu ích. Họ đang cố gắng làm điều này trên tất cả mọi con phố để đảm bảo sự an toàn và tiện ích của người dân.

Trước đây, Bangkok đã xây dựng 54 làn đường dành cho xe đạp, trong đó có cả làn đường chỉ dành riêng cho xe đạp và làn đường chung với  các phương tiện khác cũng như người đi bộ, có chiều dài lên tới 364,54km.

Bangkok làm

Du khách nước ngoài trải nghiệm Bangkok bằng xe đạp

Hai bánh hơn bốn bánh

Cũng như nhiều thành phố lớn ở các quốc gia Đông Nam Á, đối với người dân Bangkok thì tình trạng tắc đường là “chuyện thường ngày ở huyện. “Đi từ nơi này sang nơi khác bằng ô tô ở Bangkok đúng là một cuộc vật lộn”, Thanyarat Doksone, một nhân viên văn phòng ở Bangkok chia sẻ. Bởi thế, Thanyarat quyết định đi làm bằng xe đạp, phương tiện khiến anh chỉ mất 15 phút trên đường thay vì 45 phút nếu đi ô tô.

Giống như Thanyarat, ngày càng có nhiều người ở Bangkok sử dụng xe đạp để di chuyển nhằm tiết kiệm thời gian. “Các phương tiện giao thông công cộng ở đây không thể di chuyển đến mọi nơi và đúng giờ được. Hơn nữa, đi xe đạp rất thuận tiện và cho phép tôi chủ động quản lý được thời gian của mình”, Thanyarat nói. 

Đi xe đạp, đi bộ không chỉ được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo mà ngay cả các chuyên gia về giao thông cũng đánh giá cao trong việc tích cực giảm thiểu việc ùn tắc giao thông và giảm lượng khí thải nhà kính cũng như khói bụi. Để làm được điều này, “mê cung đô thị” Bangkok đã được vận dụng tối đa. 

Mê cung đó chính là mạng lưới ngõ ngách chằng chịt ở Bangkok. Diện tích bề mặt của các con ngõ, ngách rất hẹp nên ô tô không thể vào được và chỉ có xe đạp, người đi bộ mới sử dụng cách này để dễ dàng di chuyển tới nơi mình cần đến, nhanh hơn và an toàn hơn. 

“Nếu bạn so sánh mạng lưới vận tải công cộng như động mạch thì đi xe đạp, hay đi bộ cũng giống như các tĩnh mạch có thể giúp chúng ta di chuyển từ nhà đến trung tâm dễ dàng hơn”, bà Sira Leepipattanawit thuộc Quỹ Thế giới Xanh, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc đi lại bằng xe đạp cho biết. 

Cũng theo tổ chức này, họ phải mất 2 năm để phát triển ứng dụng di động giúp người đi xe đạp có thể dễ dàng khám phá những cung đường bí mật trong mê cung đô thị của Bangkok.

Do đó, ứng dụng Pun Muang hay Thành phố Xe đạp đã được sử dụng như Google Map chỉ dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ ở Bangkok được chia sẻ sử dụng trên smartphone. Kể từ khi ứng dụng này bắt đầu được kích hoạt vào tháng 7-2016, đã có khoảng 1.600 người sử dụng nó.

Văn hóa và cách mạng giao thông 

Bangkok hiện là 1 trong 10 thành phố có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới. Tình trạng này sẽ tiếp tục xấu đi trong một thập kỷ tới khi dự báo có khoảng 1 triệu phương tiện khác đổ về Thủ đô này.

Do đó, một trong những kế hoạch được chính quyền Bangkok đặt ra nhằm giải thiểu tình trạng ùn tắc giao thông là khuyến khích người dân đi xe đạp. “Cơ quan quản lý Hành chính Bangkok (BMA) đã có những chính sách rõ ràng để cải thiện giao thông công cộng.

Trong 15 năm tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đi xe đạp trong thành phố. Qua đó, chúng tôi kết nối mạng lưới đi xe đạp trong nội đô với tuyến đường dành cho xe đạp”, Khrueafa Booduang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin giao thông cho biết.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng có những điểm cần khắc phục nhanh, đó là cải thiện hệ thống hạ tầng của thành phố để đáp ứng sự công bằng trong văn hóa giao thông giữa xe đạp và các phương tiện khác.

Hiện ở Bangkok có khoảng 150.000 người sử dụng xe đạp, phần lớn trong số họ dùng xe đạp đi mua sắm,  đi làm hay thể dục. Ngoài ra, mạng lưới đường dành cho xe đạp lên tới gần 365km, nhưng không phải thiết kế của nó đều phù hợp và tiện dụng cho người dân. Do vậy, theo lời của Thanyarat, thì cái cần để Bangkok hay bất kỳ thành phố nào thoát khỏi cơn ác mộng ùn tắc giao thông đó chính là văn hóa giao thông. “Việc thay đổi đầu tiên nên bắt đầu từ ý thức của người dân, tôn trọng quyền sử dụng không gian công cộng của người khác”, Thanyarat nói.

Trần Biên (ANTĐ)

SourceXeHay