Giá dịch vụ hàng không rục rịch tăng
Giá một số dịch vụ hàng không sẽ tiếp tục tăng theo kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Một số Dịch Vụ Hàng Không đang được tính toán tăng
Theo quy định về khung giá, mức giá một số dịch vụ hàng không mà Cục Hàng không vừa trình Bộ GTVT, giá dịch vụ cất hạ cánh đối với lĩnh vực hàng không cũng sẽ được tính theo khung giờ cao điểm và thấp điểm.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì trong vòng 5 năm (từ 1-12-2011 đến nay). So với bình quân khu vực ASEAN, giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay với các chuyến bay nội địa của Việt Nam là khá thấp, chỉ bằng 47-68% tùy loại tàu bay.
Tính phí theo khung giờ
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để đảm bảo doanh thu đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ tương ứng (hòa vốn) thì mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa cần được điều chỉnh tăng 225% so với mức giá hiện tại và để ACV đạt tỷ suất lợi nhuận 10% thì mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa cần được điều chỉnh tăng 258% so với mức giá hiện tại.
“Cục Hàng không nhận thấy việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội. Cục đề xuất xây dựng chính sách giá hạ, cất cánh đối với chuyến bay quốc nội theo khung giờ, tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các cảng hàng không”, lãnh đạo Cục Hàng không kiến nghị.
“Chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hàng không trong nước cũng gây ra sự mất cân bằng giữa vận tải hàng không so với các hình thức vận tải khác” |
Cụ thể, Cục Hàng không đề xuất, đối với các cảng hàng không nhóm A và B, giờ bình thường giá dịch vụ cất hạ cánh đối với chuyến bay nội địa áp dụng mức giá bằng 115% so với giá hiện hành; giờ cao điểm áp dụng mức giá bằng 115% mức giá đối với khung giờ bình thường.
Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lộ trình điều chỉnh một số giá dịch vụ. Với giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay quốc nội: Trong giai đoạn 1 (áp dụng từ ngày 1-7-2017) sẽ tăng 5%; Giai đoạn 2 (áp dụng từ ngày 1-1-2018), tiếp tục tăng thêm 10%.
Mức giá cất hạ cánh áp dụng đối với các chuyến bay nội địa tại các sân bay nhóm A và B trong khung giờ bình thường (giai đoạn 1) là 698.000 đồng/lần cho Máy Bay trọng tải cất cánh tối đa dưới 20 tấn và cao nhất là hơn 10,5 triệu đồng/lần cho máy bay cất hạ cánh có trọng tải từ 250 tấn trở lên.
Từ giai đoạn 2, giá sẽ tăng lên, với máy bay cất/hạ cánh có tải trọng tối đa dưới 20 tấn là 765.000 đồng/lượt, cao nhất đối với máy bay cất/hạ cánh có tải trọng đối đa 250 tấn trở lên là hơn 11,6 triệu đồng. Vào khung giờ cao điểm, giá dịch vụ cất hạ cánh sẽ thu bằng 115% giá dịch vụ cất hạ cánh khung giờ bình thường.
Các hãng hàng không lãi lớn nhờ ưu đãi
Ngoài việc tăng giá trực tiếp đánh vào các nhà khai thác hàng không thì Cục Hàng không cũng kiến nghị tăng một số dịch vụ đối với hành khách (nhà khai thác thu hộ). Trong đó, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý, đối với hành khách, hành lý quốc tế là 2 USD/hành khách; đối với hành khách, hành lý quốc nội là 18.181 đồng/hành khách.
Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không đối với hành khách đi chuyến bay quốc tế tại sân bay Nội Bài là 25 USD/người, Tân Sơn Nhất là 20 USD/người, Phú Quốc là 18 USD/người, Cần Thơ là 16 USD/người…; đối với hành khách đi chuyến bay nội địa tại cảng hàng không nhóm A là xấp xỉ 91.000 đồng/người, các sân bay nhóm B xấp xỉ 73.000 đồng/người…
Theo đại diện ACV, chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hàng không trong nước những năm qua đã thúc đẩy phát triển ngành hàng không. Tuy nhiên, chính sách này cũng tạo ra một số bất cập, trong đó có gây ra sự mất cân bằng giữa vận tải hàng không so với các hình thức vận tải khác. Giá vé máy bay của Vietjet Air và Jestar Pacific tuyến Hà Nội - TP.HCM là 865.000 đồng/người/chiều, trong khi giá vé tàu hỏa trên hành trình này dao động từ 1.033.000 - 1.500.000 đồng/khách.
Hiện các hãng hàng không trong nước gặp nhiều thuận lợi nhờ giá nhiên liệu hàng không giảm và giữ ổn định trong thời gian dài, lượng hành khách nội địa tăng trưởng cao liên tục trong giai đoạn gần đây và mức giá dịch vụ phải trả rất thấp. Đây cũng là lý do quan trọng khiến doanh thu và lợi nhuận các hãng đạt mức tăng trưởng rất cao.
Năm 2016, Vietnam Airlines đạt hơn 55.000 tỷ đồng doanh thu với hơn 1.500 tỷ đồng lợi nhuận. Vietjet Air đạt 27.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.300 tỷ đồng lợi nhuận. Trong khi đó, ACV dù đạt tới hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ dịch vụ hàng không, song hàng loạt tài sản cố định chuyên dùng cho dịch vụ hàng không đều đã hết thời gian khấu hao trên sổ sách nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Đó là chưa nói đến việc nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cảng hàng không bình quân 5.561 tỷ đồng/năm trong thời gian tới.
ACV ước tính nếu đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không được thông qua như đề xuất của Cục Hàng không và ACV, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỷ đồng/năm, tương đương 5.188 đồng/hành khách (chiếm tỷ lệ 0,11% giá vé máy bay). Với tỷ lệ quá nhỏ như vậy, không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay.
Ngân Tuyền (ANTĐ)