Cứ đi thế đấy, chắc gì đã vội thật đâu!
Mấy năm trở lại đây, câu nói vui “Hà Nội không vội được đâu” được nhiều người coi như một khái quát về nhịp sống của Hà Nội.
Không ít người đi đường vội vã nhấn ga bỏ qua đèn vàng, bất chấp luật giao thông
Tưởng như chỉ là đùa, ấy thế mà đôi lúc, nó được xuất hiện chính thức trên các tít báo, trong các cuộc họp về Hà Nội. Nghe câu đó, nhiều người không hiểu sẽ hình dung ra một Hà Nội với nhịp sống chậm rãi, thong dong, trật tự. Nhưng sự thật là, ra ngoài đường bây giờ, nhìn cách người dân Thủ đô tham gia giao thông, sẽ lại thấy khác hẳn. Hầu hết những người đi đường đều hối hả, vội vã, bon chen, lấn át. Đến mức, họ bất chấp cả luật lệ, văn minh, văn hóa giao thông.
Thông thường, nhìn thấy đèn vàng, nếu thấy phương tiện của mình vẫn còn ở xa, người tham gia giao thông an toàn sẽ quan sát, giảm tốc độ và dừng lại ở làn đường của mình. Nhưng ở nhiều tuyến đường Hà Nội rất nhiều người lại không hành xử như thế. Ngược lại, họ xoắn tay vít ga để cố vọt qua chiếc vạch dừng đèn đỏ, chạy đua với đồng hồ đếm giây và sự chuyển màu của chiếc đèn tín hiệu. Nếu thấy Cảnh sát giao thông đứng điều khiển ở đó, họ còn phân vân, dùng dằng giữa đi với vượt. Nếu không có Cảnh sát giao thông, đa số chọn cho mình giải pháp “chạy luôn”.
Ở chiều ngược lại, những người đang đứng chờ đèn đỏ chuyển sang màu xanh cũng có tâm trạng hối hả không kém. Khi đèn xanh còn chưa kịp bật lên, khi những con số đếm giờ chưa lùi về đến số 0, họ đã vội vàng lao lên phía trước, như thể chỉ chậm chút thôi, là sợ bị thua đối thủ mất rồi. Phía sợ dừng đèn đỏ, phía sợ đi chậm đèn xanh, cả hai cùng hối hả, bon chen, nên nhiều lúc, cái thói xấu gặp nhau tại một điểm. Đó là điểm giữa đường giao cắt. Không ai chịu nhường ai, đương nhiên, sẽ có va quệt, ách tắc xảy ra.
Nhiều pha nặng thì xảy ra tai nạn. Nhẹ hơn thì xe này chẹn đầu, kẹp xe kia lại. Kèm theo đó, là những ánh lườm, cái nguýt, hoặc những câu chửi đổng, rồi có khi cả cơ man các bộ phận cơ thể được văng ra, vung lên mặt nhau. Đường lẽ ra thông thoáng, tự nhiên lại bị ách lại, chỉ vì những người “sống vội, sống gấp” kiểu nửa vời như vậy!
Cơ quan tôi nằm trên tuyến đường lớn của Hà Nội. Ngại nhất với tôi đó là hai thời điểm: vào-ra cơ quan. Lúc vào thì đỡ hơn bởi lượng phương tiện lưu thông còn ít, chỉ cần xi nhan, nhìn trước ngó sau một chút là có thể rẽ trái và đi vào cổng được. Còn lúc ra, đa số phải đợi cả phút mới sang được phía bên kia đường.
Người học Luật Giao thông đều hiểu, phải giảm tốc độ khi tới điểm giao cắt. Nhưng, dường như chủ nhân của nhiều chiếc ô tô lẫn xe máy đều cố tình không biết đến điều đó. Rất hiếm khi tôi nhìn thấy một chiếc ô tô đang lao với tốc độ tên bắn chịu giảm tốc độ khi nhìn thấy có phương tiện đang từ cổng cơ quan ra xin tín hiệu muốn được sang đường. Còn những chiếc xe máy, họ sẽ luôn chủ động uốn sang bên trái, lách qua bên phải để tránh xe chứ không bao giờ có biểu hiện giảm tốc độ để nhường đường đúng nghĩa.
Nhìn họ, cảm giác như người lái đang sợ rằng, chỉ cần giảm ga một chút thôi, là coi như bị mất tất cả? Đem câu chuyện ấy chia sẻ với một lái xe taxi, cậu này cười hồn nhiên: “Ở Hà Nội này, dân lái xe bọn em có một quy tắc ngầm đó là ô tô không bao giờ nhường đường xe máy. Phải luôn giữ tốc độ, khoảng cách và sẵn sàng đè đầu phương tiện khác. Để xe máy len lên là chậm nhịp, vớ vẩn còn bị đám đi sau nó chửi cho”. Trời ạ, cái luật bất thành văn gì mà kỳ cục quá!
Cũng chính vì cái “luật” ấy mà mẹ tôi, một lần lên thăm con, tôi nhờ đạp xe đi đón cháu, đứng chờ 10 phút không sang được đường. Lúc về, mẹ mặt tái mét, thở dốc: “Thôi, lần sau mẹ không dám đi đón cháu đâu. Đứng chờ mãi mà chẳng thấy người ta nhường cho mình đi. Sợ họ lao vào hai bà cháu thì khổ. Đi như cướp đường thế, mẹ già rồi, sao dám liều?”. Nghe mẹ kể, tôi chỉ biết cười trấn an và buồn. Tôi hiểu cảm giác của mẹ tôi lúc đó. Và tôi lại hỏi: Tại sao người ta lại phải vội vã thế?
Có phải vì công việc của họ bận rộn quá, họ quá nhiều việc nên lúc nào cũng phải tất bật chạy đua với thời gian? Tôi không cho là vậy. Bởi, nếu người ta thật sự vội vã thế thì ở những quán ăn sáng, quán cà phê, khi gần trưa vẫn không còn đông đúc đến vậy. Nhiều người nước ngoài sang Việt Nam thấy cảnh đó, cứ ngơ ngác hỏi: “Không hiểu tại sao, toàn các bạn trẻ lại ngồi túm tụm ở các hàng quán trong giờ làm việc? Trong khi, ngoài đường, họ lại tất bật chạy đua từng phút với thời gian?”.
Tôi đi về qua cầu Chương Dương hàng ngày và nhận thấy: Chỉ khoảng trước 7h sáng, hai bên đầu cầu hoàn toàn thông thoáng. Nhưng sau đó 10 phút, mọi thứ đã khác hẳn. Sẽ lại là cảnh ùn tắc, chen lấn, lượn lách, còi toe toe inh ỏi. Tôi cứ tự hỏi, tại sao người ta không cố dậy sớm một chút, sắp xếp công việc nhanh gọn để ra đường sớm hơn? Nếu có ý thức tránh cái giờ cao điểm ấy ra, chủ động đi sớm hơn một chút, có phải chúng ta đã tránh được sự ùn tắc không đáng có ấy. Tại sao cứ đủng đỉnh trước đó, để rồi sau lại vội vã?
Hỏi vậy thôi, chứ thật khó để trả lời. Bởi, dường như, thói quen “vội vã không đúng kiểu” ấy đã ăn sâu vào không ít người tham gia giao thông. Họ cứ vội thế đấy, nhưng chắc gì đã phải vì vội thật đâu!
Chiến Văn (ANTĐ)