Thu hồi xe máy cũ nát: Cần nhưng thiếu cơ sở thực thi
Thu hồi xe máy quá cũ, nát đã được Bộ Giao thông - Vận tải và nhiều ngành đặt vấn đề từ lâu bởi đây là nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án để Thu Hồi xe máy quá cũ, nát, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông (ATGT) và ô nhiễm môi trường. “Hiện nay, thống kê có 2,5/6 triệu xe máy quá thời hạn sử dụng.
Vấn đề này thành phố đang cố gắng, và đến kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 6-2017 dự kiến sẽ trình chương trình liên quan đến hạn chế xe máy, sau đó sẽ trình Chính phủ. Tinh thần đề xuất theo hướng thành phố sẽ bỏ ra khoản tiền hỗ trợ và có biện pháp thu hồi các xe máy, ô tô đã quá hạn sử dụng”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức chung cho biết.
Tác nhân gây mất ATGT, ô nhiễm
Xe máy quá cũ, nát được cho là một trong những nguyên nhân gây mất ATGT và ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Một nghiên cứu của Ủy ban ATGT quốc gia công bố vào năm 2016 cho thấy, Xe Máy Cũ Nát là một trong những nguyên nhân gây mất ATGT.
Trong một nghiên cứu về nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT) do xe máy tại tỉnh Thái Nguyên, TS. An Minh Ngọc, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị bền vững dẫn chứng, số phương tiện có thời gian sử dụng từ 10 - 15 năm chiếm 44,59% các vụ TNGT. “Dường như có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời phương tiện. Thực tế, khi phương tiện sử dụng nhiều năm, các chi tiết trong máy xe không còn đảm bảo an toàn như ban đầu và gây ra những sự cố hỏng hóc trong quá trình lưu thông”, TS. An Minh Ngọc nhìn nhận.
“Hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy. Trong số này, có những xe được đưa vào hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước nhưng hiện vẫn đang lưu thông. Những xe này nếu không được bảo dưỡng tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến ATGT và môi trường đô thị”. Ông Nguyễn Hữu Trí, (Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải) |
Cũng theo TS. An Minh Ngọc, phương tiện càng sử dụng nhiều, nguy cơ rủi ro càng lớn. Hiện nay, quy định của Chính phủ là đến tháng 1-2018 phải thu hồi toàn bộ phương tiện xe máy cũ đã hết niên hạn sử dụng. “Mặc dù vậy, thực tế chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng đối với môtô, xe gắn máy. Do đó, việc cần làm hiện nay là phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ ban hành quy định về niên hạn sử dụng xe máy”, TS. An Minh Ngọc đề xuất.
Giữa năm 2016, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô xe máy Việt Nam cũng kiến nghị, cần có quy định về niên hạn sử dụng đối với xe máy. Và nếu không có quy định về niên hạn, cơ quan Nhà nước cần có những quy định cụ thể đối với các xe máy cũ bởi đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Cần thiết phải kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy
Thu hồi xe máy quá cũ, nát đã được các bộ, ngành quan tâm, đặc biệt là Bộ GTVT với Đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy đưa ra từ khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể thành hiện thực. Đáng nói, năm 2010, Đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy đã được ban hành, nhưng đến nay, hầu hết các mục tiêu trong đề án đều không đạt được và kéo theo đó, việc kiểm soát xe gắn máy quá cũ nát cũng đang bế tắc. Theo Bộ GTVT, lý do chậm triển khai Đề án về mặt khách quan là do kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn và có nhận thức rất khác nhau về vấn đề kiểm soát khí thải.
Trong khi đó, mô tô, xe gắn máy vẫn là Phương Tiện Giao Thông chủ yếu trong những năm tới. Phương tiện này đang đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố khi giao thông công cộng đáp ứng không quá 10% nhu cầu, giao thông cá nhân bằng ô tô còn hạn chế.
Hơn nữa, đa số người sử dụng chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải mô tô, xe gắn máy và tác dụng, sự cần thiết phải kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm độ bền, hiệu quả hoạt động, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu. Bản thân cơ quan chức năng cũng còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chủ trương thu phí kiểm tra khí thải trực tiếp từ người sử dụng mô tô, xe gắn máy. Mặc dù mức giá kiểm tra khí thải theo đánh giá của Bộ GTVT là rất nhỏ so với chi phí nhiên liệu.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) thông tin, Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu, thử nghiệm, tiến hành các công việc chuẩn bị. “Tuy nhiên, đây là một Đề án lớn mang tính xã hội phức tạp. Các tổ chức, cá nhân đều thống nhất chủ trương phải kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy nhưng chưa thống nhất được phương án, lộ trình triển khai cụ thể. Do có ảnh hưởng xã hội lớn, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp sử dụng xe máy cũ có chất lượng thấp”, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết.
Trong khi đó, giao thông công cộng chưa đáp ứng được, số lượng xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tiếp tục tăng lên nhanh chóng, càng gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc quy định kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũng chưa được quy định bắt buộc trong Luật Giao thông đường bộ. Do tính phức tạp đó, cần tiếp tục nghiên cứu khả thi quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm định khí thải đối với xe mô tô trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi tới đây.
Xe cũ, nát thanh thải là phù hợp
Về đề xuất quy định niên hạn để thu hồi xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe máy của Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Trí nhìn nhận, đây là đề xuất tốt để bảo vệ môi trường và ATGT. Đề xuất này có thể thực hiện được khi sửa Luật Giao thông đường bộ.
Cũng theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, trong quá trình bàn thảo về sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đã có những ý kiến đề xuất cần phân cấp cho địa phương quy định điều kiện hoạt động của môtô, xe máy tùy theo đặc thù của từng địa phương, thay vì quy định chung cho cả nước.
Số lượng xe máy ở Hà Nội nhiều hơn hẳn so với các tỉnh miền núi, nguy cơ ô nhiễm do xe máy gây ra tại Hà Nội nhiều hơn thì Hà Nội phải chủ động xây dựng quy định về điều kiện hoạt động của xe máy. Còn tại những tỉnh ít xe máy và xe máy là phương tiện chính của người dân, nhất là người nghèo, trong khi vận tải công cộng chưa đủ khả năng đáp ứng thì có thể xem xét quy định về điều kiện hoạt động của xe máy khác với Hà Nội.
“Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định, từ 1-1-2018, xe mô tô, xe máy hết thời hạn sử dụng sẽ phải thu hồi, thải bỏ. Tuy nhiên, đến nay lại chưa có quy định nào về niên hạn sử dụng của xe gắn máy, nên cũng sẽ chưa thể triển khai được Quyết định số 16”, ông Nguyễn Hữu Trí bày tỏ.
Ông Nguyễn Hữu Trí cũng cho rằng, việc quy định niên hạn đối với xe máy cần được cân nhắc thật kỹ và lấy ý kiến rộng rãi. Bởi, xe máy hiện vẫn là phương tiện lưu thông chính của người dân. Trong đó, đa số xe máy đã sử dụng lâu năm thuộc về người dân có mức thu nhập trung bình và thấp, sử dụng để mưu sinh.
Hơn nữa, tại các đô thị lớn, vận tải khách công cộng vẫn chưa phát triển, hiện vẫn chỉ có xe buýt nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, nếu quy định niên hạn cho xe máy, nên áp dụng theo lộ trình để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đối với đề xuất ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng xe máy, việc này không sai nhưng chúng ta cần có lộ trình. Trong khi đó, PGS.TS Bùi Xuân Cậy, trường Đại học GTVT Hà Nội bày tỏ, xe máy cũ, nát quá thì phải thu hồi là điều cần thiết để giảm ô nhiễm môi trường, TNGT. Ở Việt Nam có rất nhiều xe máy cũ nhưng người dân vẫn lưu hành. Nếu như ô tô thì có thể đăng kiểm thì xe máy cũ hết niên hạn sử dụng có thu hồi được hay không lại là vấn đề khó.
Ngân Tuyền (ANTĐ)