Lộn xộn trông giữ xe: Người dân bức xúc, ngân sách thất thu tiền tỷ: Bài I: "Không gửi thì đi chỗ khác!"
“Chặt chém” khách gửi xe, ngang nhiên thu với giá cao hơn quy định nhiều lần; lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để mở điểm trông giữ xe trái phép; người dân không đồng tình thì đe dọa dùng vũ lực…Những vi phạm kiểu này cứ xử lý hôm trước hôm sau lại tái phạm.
Bãi giữ xe trước cổng Bệnh viện Việt Đức luôn “chém” đẹp người gửi
Tình trạng “trăm hoa đua nở” trong hoạt động trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội đã và đang khiến loại hình dịch vụ này bát nháo hơn bao giờ hết. Nhu cầu Gửi Xe trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng tỷ lệ thuận với hành vi vi phạm của các chủ kinh doanh hoạt động trông giữ xe. Thành phố đã có quy định rõ ràng về mức giá trông giữ phương tiện nhưng hầu hết các bãi trông giữ xe đều không chấp hành. Cơ quan quản lý thì kiểm tra theo kiểu “thời vụ”, xử phạt xong rồi vẫn đâu vào đấy!
Nhu cầu cực lớn
Số liệu từ Phòng Cảnh sát Giao Thông - CATP Hà Nội cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 5,5 triệu xe mô tô và hơn 550.000 xe ô tô các loại. Tốc độ tăng bình quân của ô tô là 17%/năm và xe mô tô là 8%/năm. Đó là chưa kể hàng triệu ô tô, xe máy của người dân các tỉnh, thành phố khác đưa về Hà Nội sử dụng để học tập, làm ăn, sinh sống. Bởi vậy, nhu cầu bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn thành phố là cực lớn.
Thế nhưng, qua thời gian, nhiều bãi đỗ xe theo quy hoạch cũ hiện đã biến thành trung tâm thương mại, nhà cao tầng. Sau nhiều năm loay hoay phát triển các mô hình trông giữ xe hiện đại, tới nay, Hà Nội cũng chỉ mới có vài điểm trông giữ xe bằng giàn thép tự động nhưng mỗi điểm cũng chỉ đáp ứng được số lượng xe rất ít như bãi đỗ xe giàn thép trên đường Trần Nhật Duật, phố Nguyễn Công Hoan, phố Nguyễn Công Trứ.
Khảo sát của phóng viên Báo An ninh Thủ đô tại một số điểm “nóng” về trông giữ phương tiện, hay xảy ra “chặt chém” giá vé gửi xe cho thấy phần nào bức tranh tối màu của loại hình dịch vụ này. Đơn cử, tại một số điểm trông giữ xe trước cổng Bệnh viện Việt Đức (phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá gửi xe máy luôn ở mức 10.000 đồng-20.000 đồng/lượt xe máy, gấp từ 3 tới 7 lần giá quy định.
Do nhu cầu vượt xa khả năng đáp ứng nên tình trạng bát nháo, lộn xộn trong hoạt động trông giữ xe trên địa bàn thành phố ngày càng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận nhân dân và làm đau đầu cơ quan quản lý.
Một số điểm trông giữ xe máy trước cửa Bưu điện Bờ Hồ cũng có giá 10.000 đồng/lượt xe máy… Trong khu vực phố cổ, nơi mật độ dân số cao nhất Hà Nội, mức giá gửi xe máy thường dao động trong khoảng 10.000 đồng - 20.000 đồng/lượt. Cá biệt, trong những dịp lễ, Tết, vé gửi xe máy có thể “vọt” lên 30.000 - 50.000 đồng/lượt.
Tình trạng phổ biến này đã và đang gây bức xúc dư luận trong thời gian dài nhưng không có hướng giải quyết vì đúng như sự vênh váo của những chủ trông giữ xe, “không gửi thì mời đi chỗ khác, đố mà tìm được chỗ gửi!”.
Chị Bùi Thị Bạch Tuyết, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc: “Thi thoảng có việc phải vào Bệnh viện Việt Đức thì mỗi lần gửi xe máy tôi đều phải mất 20.000 đồng/lượt ở đối diện cổng bệnh viện bởi điểm trông giữ của bệnh viện luôn từ chối khách vì quá tải. Có thắc mắc thì chỉ nhận được sự khó chịu của chủ điểm trông giữ với câu trả lời kiểu vô trách nhiệm “20.000 còn không có chỗ mà để đâu, không gửi nhanh thì hết chỗ…”.
Bệnh mãn tính chữa mãi không giảm
Tình trạng bát nháo trong hoạt động trông giữ xe ở Hà Nội đã trở thành căn bệnh mãn tính, không sao chữa khỏi được dù liên tiếp được báo chí, dư luận cảnh báo, nhắc nhở cũng như được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, xử phạt. Ngay sau Tết, đúng thời điểm “nóng” đầu mùa lễ hội, Ban Kinh tế - ngân sách của HĐND TP Hà Nội đã trực tiếp khảo sát, phát hiện hàng loạt vi phạm.
Cụ thể, qua khảo sát thực tế tại một số quận, huyện khu di tích, bến xe như khu vực chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Đậu… đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm cố hữu như nhiều điểm trông giữ xe tự phát, không được cấp phép vô tư hoạt động tại khu vực ngoài đền Quán Thánh, đường Lý Thường Kiệt - cạnh chùa Quán Sứ. Nhiều điểm sử dụng ngoài diện tích được cấp phép; trông giữ phương tiện khi giấy chứng nhận đủ điều kiện trông giữ phương tiện đã hết hạn.
Hầu hết các điểm trông giữ không thực hiện việc thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo quy định, ít nhất cao hơn từ 2- 3 lần so với mức thu quy định của thành phố. Cụ thể, quy định của thành phố tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa đối với xe máy ban ngày thu 3.000 đồng/lượt song tất cả các điểm Đoàn khảo sát đều thu cao hơn quy định, hầu hết 10.000 đồng/lượt; đối với xe ô tô đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống quy định thu 30.000 đồng/lượt, song hầu hết 50.000 đồng/lượt.
Nhiều điểm thu không có biên lai; vé hoặc biên lai, vé thu do đơn vị thu tự lập chưa đúng quy định, trên biên lai không ghi giá trông giữ phương tiện... Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP nhìn nhận, hầu hết các lỗi vi phạm này đã được Ban kiến nghị xử lý, khắc phục từ các đợt khảo sát của những năm trước nhưng vẫn không thay đổi.
Anh Nguyễn Huy Hoàng ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội bức xúc với sự lì lợm của các chủ trông giữ xe: “Gần như 100% các điểm trông giữ xe đều thu cao hơn so với quy định, đặc biệt vào các dịp lễ Tết thì càng “chặt chém” mạnh. Rất khó chịu là những vi phạm như vậy cứ tồn tại năm này qua năm khác. Người dân chỉ biết kêu… trời vì không có chỗ gửi xe nên đành cắn răng chấp nhận mức giá “cắt cổ”. Cái nghề trông giữ xe trở thành “béo bở” thế nhưng không phải ai cũng làm được đâu, bạn cứ thử ra vỉa hè mà chăng dây xé vé thu tiền xem có được không?”…
(Còn tiếp)
Ngân Tuyền (ANTĐ)