Trốn nộp phạt vi phạm ATGT, hàng nghìn ô tô bị từ chối đăng kiểm

| Thị trường
Xếp hạng 3.9 - 9 đánh giá

Hàng nghìn xe ô tô đến kỳ đăng kiểm đã bị cơ quan chức năng từ chối vì các xe này đã trốn nộp phạt vi phạm giao thông trước đó.

Trốn nộp phạt vi phạm ATGT, hàng nghìn ô tô bị từ chối đăng kiểm

Các xe trốn vi phạm sẽ bị từ chối đăng kiểm

Từ khi Chương trình quản lý kiểm định của Cục được đưa vào ứng dụng (năm 2016), thông tin về những phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà chưa nộp phạt, có giấy thông báo của các cơ quan chức năng về Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), đều được lưu giữ hồ sơ trong hệ thống. Trước khi đăng kiểm phương tiện, đăng kiểm viên sẽ nhập dữ liệu vào hệ thống, nếu xe còn nợ nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hoặc “có vấn đề” thì sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Chủ cũ trốn phạt, chủ mới lĩnh đủ 

Đầu tháng 2, chủ xe ôtô 29H- 455... đưa xe đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06V (Hà Nội) để làm thủ tục đăng kiểm. Tuy nhiên, sau khi đăng kiểm viên kiểm tra thông tin đã từ chối đăng kiểm cho chủ xe. Lý do đưa ra là chiếc xe nằm trong danh sách dừng tiếp nhận kiểm định được thông báo trong toàn hệ thống đơn vị đăng kiểm. 

Đại diện Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06V thông tin, ban đầu chủ xe không đồng tình, đòi xem các bằng chứng thì mới chấp nhận việc xe không được đăng kiểm. “Sau khi chúng tôi in ra thông báo do cơ quan CSGT cung cấp với nội dung “xe ô tô BKS 29H-455… đã bị CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế lập biên bản vi phạm tốc độ điều khiển xe nhưng đã quá hạn nộp phạt theo quy định mà chủ xe chưa chấp hành. Khi đó, chủ xe mới “tâm phục khẩu phục”, lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06V cho biết.

Tương tự, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V cũng vừa từ chối đăng kiểm cho chủ xe ô tô 16 chỗ có BKS 29K-679… vì xe này có trên hệ thống giám sát dừng tiếp nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tại cơ sở đăng kiểm, chủ xe 16 chỗ cho hay, xe mới mua lại của một người quen, chưa kịp đi sang tên đăng ký. Đến lúc đi làm thủ tục đăng kiểm lại thì mới hay xe từng bị phạt nguội. Giờ muốn xe được đăng kiểm, không có cách nào khác là chủ cũ phải đi nộp phạt, rồi lấy biên bản đã nộp phạt mang về Trung tâm đăng kiểm. 

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V (Hà Nội) cho biết, nhiều chủ xe phản ứng nhưng cơ quan đăng kiểm phải thực hiện nghiêm. “Trước khi tiếp nhận kiểm định phương tiện, chúng tôi phải tra cứu danh sách phương tiện bị cảnh báo dừng kiểm định và thực hiện nghiêm túc” - ông Nguyễn Đức Toàn nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) thông tin, quy định tại khoản 6, Điều 4 của Thông tư số 70/2015 của Bộ GTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ yêu cầu không kiểm định xe cơ giới đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định. 

Gần 3.000 xe ô tô nợ nộp phạt vi phạm

Trong năm 2016, có 2.839 trường hợp ô tô được đưa vào danh sách cảnh báo dừng tiếp nhận đăng kiểm trên toàn quốc. Do lượng phương tiện bị cảnh báo ngày càng nhiều nên hiện nay, Phòng Kiểm định xe cơ giới phải giao 2 người chuyên giám sát công việc trên. Con số này đang gia tăng bởi từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận được đề nghị phối hợp tới 1.089 trường hợp, trong đó đã phát hiện và đề nghị được 126 phương tiện đi nộp phạt, rồi quay lại tiếp tục làm thủ tục đăng kiểm. 

“Đây là những trường hợp do các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, các địa phương như: Tòa án, cơ quan thi hành án, CSGT, Thanh tra GTVT có văn bản đề nghị dừng kiểm định để yêu cầu chủ phương tiện thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Khoảng 90% trong số được cảnh báo là do chủ phương tiện vi phạm pháp luật giao thông và quá hạn chấp hành việc xử phạt nhưng không nộp phạt”, ông Ngô Hồng Hệ cho hay. 

Theo ông Ngô Hồng Hệ, việc dừng tiếp nhận kiểm định các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ không chỉ giúp cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả xử lý đối với lái xe vi phạm mà còn giúp phát hiện một số trường hợp lái xe, phương tiện gây tai nạn. “Có trường hợp xe ở Thanh Hóa gây tai nạn rồi bỏ trốn, sau đó xe được sang tên bán qua nhiều chủ. Chiếc xe được đưa lên mạng cảnh báo, 3 năm sau khi xe đi đăng kiểm, cơ quan Công an đã truy tìm được người gây tai nạn để xử lý”, ông Ngô Hồng Hệ cho biết. Thậm chí, có trường hợp đến đăng kiểm mới phát hiện là xe nằm trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như xe 29A-31… 

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay